Lễ hội đầu năm: Chủ yếu thực hiện phần lễ

.

2022 là năm thứ 3 các lễ hội đầu xuân tại Đà Nẵng chỉ thực hiện phần lễ với nghi thức dâng hương, bảo đảm thành kính, trang nghiêm. Còn hầu hết các hoạt động phần hội tiếp tục tạm dừng, hạn chế tập trung đông người trong thời điểm Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đại diện Ban khánh tiết lễ hội đình làng Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu) thực hiện phần lễ cúng, nghi lễ dâng hương tại đình làng đầu năm 2022. Ảnh: THIÊN DUYÊN
Đại diện Ban khánh tiết lễ hội đình làng Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu) thực hiện phần lễ cúng, nghi lễ dâng hương tại đình làng đầu năm 2022. Ảnh: THIÊN DUYÊN

Rút gọn phần lễ, tạm dừng phần hội

Mỗi độ xuân về, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức các lễ hội đầu năm, lễ hội đình làng, thu hút đông đảo người dân đến dâng hương, vui chơi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình Covid-19 phức tạp nên đa số lễ hội đều tạm ngừng hoặc duy trì phần lễ với quy mô nội bộ, không tổ chức phần hội.

Theo thông lệ, 3 năm 1 lần, năm 2022 là năm xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) tổ chức lễ hội đình làng Bồ Bản nhưng năm nay địa phương quyết định chỉ tổ chức phần lễ với các nghi thức dâng hương cổ truyền tri ân các bậc tiền nhân.

Ông Tán Kim, Trưởng ban quản lý đình làng Bồ Bản cho biết, các hoạt động phần hội như đua thuyền truyền thống, hò khoan đối đáp, trò chơi dân gian... như thông lệ không được tổ chức. Ban khánh tiết đình làng chỉ thực hiện nghi lễ truyền thống và giới hạn người tham gia. Việc không tổ chức phần hội truyền thống để hạn chế tập trung đông người được bà con đồng thuận, nhất trí cao.

Tương tự, các lễ hội đầu năm như: lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang), lễ hội đình làng Hòa Mỹ, Hòa Phú, miếu Tam vị, giải đua đua thuyền sông Cu Đê (quận Liên Chiểu) và tại các quận, huyện khác cũng tạm dừng hoặc được tổ chức tinh gọn với phần lễ tế cổ truyền, nghi lễ rước sắc.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu Trương Công Hiếu cho biết, với bề dày lịch sử, văn hóa, từ Tết Nguyên đán đến Tết Thanh minh (tháng 3 Âm lịch), trên địa bàn quận diễn ra nhiều lễ hội truyền thống. Các lễ hội này thu hút đông người dân đến tham gia vui chơi, điển hình như: hô hát bài chòi của phường Hòa Minh và Hòa Khánh Nam vào mồng 2 Tết Nguyên đán, giải đua thuyền sông Cu Đê vào ngày 9 tháng Giêng… Tuy nhiên năm nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố về tổ chức hoạt động lễ hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, các phường trên địa bàn đều báo cáo quận chỉ thực hiện nghi lễ dâng hương, lễ tế nhỏ gọn, thành kính và trang nghiêm.

Mới đây, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng thông báo tạm ngừng lễ hội Quán Thế Âm năm 2022. Phó Chủ tịch UBND quận Tạ Tự Bình cho biết, các năm qua, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức thành công, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tín ngưỡng cho người dân, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh, bản sắc văn hóa của quận và thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp, cần hạn chế hoạt động tập trung đông người nên quận quyết định tạm dừng lễ hội này.

“Đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như: lễ vía Đức Bồ tát, Khai kinh Thượng phan, thuyết pháp, cầu siêu… do chùa Quán Thế Âm tổ chức (nếu có), quận cũng có văn bản đề nghị giảm quy mô, điều chỉnh thời gian, hình thức tổ chức để bảo đảm công tác phòng, chống dịch”, ông Bình thông tin.

Thích ứng an toàn với Covid-19

Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức Tết Nguyên đán an toàn, tiết kiệm; hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức các lễ hội đúng quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống Covid-19; bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Căn cứ chỉ đạo trên, các địa phương có lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, thu hút đông người chủ động xây dựng phương án tổ chức, kế hoạch phòng dịch.

Trụ trì chùa Quán Thế Âm Thích Huệ Vinh cho biết, chùa không tổ chức các mục hoạt động như truyền thống nên làm tờ trình đề đạt nội dung và xin ý kiến chỉ đạo của các cấp, ban, ngành liên quan. Trong đó, đề đạt thực hiện một số hoạt động tín ngưỡng như: thuyết pháp, nghi lễ Phật giáo kỷ niệm thông thường không có phần hành chánh, hóa trang Quan Âm và phụ diễn một số ca khúc lễ hội…

“Căn cứ chỉ đạo của các cấp chính quyền và tình hình dịch bệnh trong thời gian tổ chức, chùa Quán Thế Âm sẽ thích ứng, thực hiện theo chỉ đạo chung”, Trụ trì Thích Huệ Vinh bày tỏ.

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố chỉ có lễ hội Cầu ngư (quận Sơn Trà) vẫn tổ chức đầy đủ phần lễ và phần hội. Trước đó, trong năm 2020 và 2021, lễ hội này cũng tạm ngừng phần hội để phòng, chống dịch.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Sơn Trà Võ Thị Phương cho biết, lễ hội Cầu ngư năm nay diễn ra từ ngày 24 đến hết 27-2 tại lăng Ngư Ông, phường Mân Thái. Đối với phần lễ, tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ nghinh thần, tế âm linh, tế chánh cầu ngư… mang bản sắc văn hóa địa phương và lồng ghép phát động ra quân khai thác hải sản năm 2022. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính cộng đồng, dân gian phù hợp với cư dân vùng biển như: hát bả trạo, chèo, bài chòi; các môn thể thao truyền thống như: bơi thúng, đan lưới, gánh cá...

“Năm nay, UBND quận quyết định tổ chức lễ hội Cầu ngư nhằm tạo điểm nhấn hoạt động văn hóa - lễ hội và tăng khả năng thu hút khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế. Để lễ hội diễn ra trang trọng, tôn nghiêm và bảo đảm phòng, chống dịch, UBND quận giao các đơn vị, lực lượng triển khai tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế để sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra”, bà Phương cho biết.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.