Ngày 29-3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ diễn ra triển lãm tranh nghệ thuật với chủ đề “Hội ngộ”, trưng bày gần 50 tác phẩm của các họa sĩ Đà Nẵng và Quảng Nam. Đúng như tên gọi, sau nhiều năm, giới mỹ thuật của hai địa phương mới hội ngộ, thực hiện triển lãm cùng nhau. Vì vậy, các họa sĩ, nhà điêu khắc kỳ vọng, thông qua triển lãm, phong trào mỹ thuật hai địa phương ngày càng gắn bó và có bước phát triển vượt bậc.
Nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng treo tranh, chuẩn bị cho triển lãm “Hội ngộ”. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Dù khoảng cách địa lý liền kề và có nhiều điểm chung trong phong cách sáng tác nhưng mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng chủ yếu gặp nhau trong các triển lãm khu vực, có sự góp mặt của nhiều tỉnh, thành phố khác. Do đó, triển lãm lần này là cột mốc để giới hội họa, điêu khắc hai địa phương giao lưu, ôn lại truyền thống, tăng cường gắn kết, trao đổi sáng tác, góp phần vào sự phát triển của nền mỹ thuật xứ Quảng. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm chào mừng kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2022).
Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố cho biết, trước đây, mỹ thuật Đà Nẵng và Quảng Nam có tổ chức 1-2 triển lãm riêng cùng nhau nhưng cách đây khá lâu. Những cuộc triển lãm đó do Hội Mỹ thuật Đà Nẵng và Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam tổ chức. Đây là lần đầu tiên triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương anh em, gần gũi, tương đồng trong nhiều mặt đời sống, trong đó có mỹ thuật. Tuy nhiên, do đặc thù cơ chế quản lý, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng là hội chuyên ngành, có quyền tự quyết cũng như tổ chức các hoạt động. Còn Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam là chi hội trực thuộc, mọi công tác đều phải trình cấp trên thông qua nên việc phối hợp thực hiện triển lãm tương đối khó khăn. Đến nay, triển lãm này được tổ chức, các họa sĩ phấn khởi, mong chờ phong trào mỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng có sự kết hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn để cùng nhau phát triển.
Theo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, triển lãm lần này nhận được sự hưởng ứng, tham gia của gần 40 họa sĩ, nhà điêu khắc, trong đó có 22 tác giả Đà Nẵng và 15 tác giả Quảng Nam. Gần 50 tác phẩm tham gia triển lãm có sự đa dạng trong chất liệu, thể loại; truyền tải nội dung ý tưởng phong phú về tình yêu quê hương, ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên, mảnh đất, con người và các giá trị di sản văn hóa xứ Quảng.
Mỗi tác phẩm là một cung bậc cảm xúc, sự tìm tòi, trải nghiệm cộng hưởng hưng phấn sáng tác và bút pháp sáng tạo riêng của tác giả. Tất cả cùng tạo nên bức tranh lớn, đa phong cách, sắc màu. Đồng thời, mang lại không khí tươi mới, giàu sức sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và thu hút du khách đến với Đà Nẵng sau thời gian dài ảnh hưởng bởi Covid-19.
Sự đa dạng của triển lãm lần này không chỉ trong tác phẩm mà còn cả tác giả, khi vừa có sự góp mặt của những họa sĩ tên tuổi, cây đại thụ trong giới mỹ thuật, vừa có các họa sĩ trẻ nổi bật, để lại dấu ấn trong phong cách nghệ thuật.
Họa sĩ Duy Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, ông tham gia triển lãm lần này với hai tác phẩm “Mây trên phố cổ” và “Phố cổ Hội An”. Các tác phẩm là tâm tư, ký ức của họa sĩ về buổi chiều, con đường, rêu phong của Hội An nhiều năm trước. Thông qua đó, giới thiệu đến công chúng góc nhìn trầm lắng, cô tịch của phố cổ, khác so với không khí sôi động bây giờ; đồng thời, thông qua tác phẩm thể hiện tình yêu đối với di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An - điểm đến quen thuộc của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
“Triển lãm có sự tham gia của nhiều họa sĩ trẻ tiềm năng với kỹ thuật, bút pháp mới. Do đó, “Hội ngộ” là cơ hội tốt để các họa sĩ trẻ giao lưu, học hỏi, trao đổi phong cách sáng tác. Từ đó, có bước đột phá trong sự nghiệp, góp phần làm giàu mạnh nền mỹ thuật xứ Quảng”, họa sĩ Duy Ninh kỳ vọng.
Họa sĩ Nguyễn Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam đánh giá, triển lãm “Hội ngộ” là dịp tốt để họa sĩ, nhà điêu khắc của Đà Nẵng và Quảng Nam gặp gỡ, giao lưu nghệ thuật nhằm gắn kết tình cảm, trao đổi, học hỏi lẫn nhau trên mảnh đất thấm đẫm chiều dày văn hóa. Thông qua triển lãm, giới hội họa hai địa phương tìm cho mình hướng đi trong xu thế hội nhập và phát triển, mơ ước về tương lai vùng đất 550 năm danh xưng Quảng Nam hội nhập bởi có nhiều di sản vật thể - phi vật thể, cụ thể là hai di sản văn hóa thế giới Hội An - Mỹ Sơn.
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Dũng, trong tương lai, nền mỹ thuật hai địa phương sẽ nỗ lực, duy trì triển lãm chung hai năm/lần. Đồng thời, bày tỏ hy vọng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tạo điều kiện tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu các tác phẩm, tác giả tiêu biểu của hai địa phương đến với công chúng yêu nghệ thuật nhiều hơn.
XUÂN DŨNG