Ngày Quốc tế bảo tàng 18-5: Xây dựng bảo tàng thành điểm đến hấp dẫn

.

Ngày Quốc tế bảo tàng (18-5) năm nay, các bảo tàng trên địa bàn thành phố xây dựng nhiều hoạt động, chương trình học tập, trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ tham gia.

Kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng năm nay, các bảo tàng trên địa bàn thành phố xây dựng nhiều hoạt động, chương trình thu hút công chúng tham gia.  Trong ảnh: Họa sĩ hướng dẫn cho học sinh in tranh Đông Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: X.D
Kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng năm nay, các bảo tàng trên địa bàn thành phố xây dựng nhiều hoạt động, chương trình thu hút công chúng tham gia. TRONG ẢNH: Họa sĩ hướng dẫn cho học sinh in tranh Đông Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: X.D

Các hoạt động, chương trình gắn với định hướng lấy thế mạnh của bảo tàng mang lại thay đổi tích cực trong cộng đồng, khuyến khích người dân, du khách tìm hiểu văn hóa, lịch sử thành phố.

Nhiều hoạt động phong phú

Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022 có chủ đề “Sức mạnh của bảo tàng”, tập trung khám phá tiềm năng của bảo tàng trong việc tạo ra thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua ba khía cạnh: sức mạnh của sự bền vững; sức mạnh đổi mới về số hóa và khả năng tiếp cận; sức mạnh xây dựng cộng đồng thông qua giáo dục. Hưởng ứng chủ đề này, các bảo tàng trên địa bàn thành phố linh hoạt triển khai nhiều hoạt động, chương trình học tập, trải nghiệm cho công chúng tham gia.

Cụ thể, từ ngày 19 đến 22-5, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức các hoạt động hấp dẫn như: triển lãm nghệ thuật chủ đề “Vươn khơi”; lễ hội hoa lan thành phố; ra mắt “Sân chơi thiếu nhi”, “Tủ sách thiếu nhi” và tổ chức buổi nói chuyện chủ đề “Nghệ thuật trang trí tại đình làng Đà Nẵng thông qua các đồ án về linh vật”. Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm “Vươn khơi”, công chúng không chỉ được tìm hiểu văn hóa, lịch sử, kiến trúc đặc trưng của làng chài tại thành phố, mà còn được trải nghiệm công việc đan lưới và tham gia các trò chơi tương tác, cuộc thi nhảy “Vũ điệu lướt sóng”…

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, từ ngày 17 đến hết 20-5 diễn ra chương trình trải nghiệm “Bé vui khám phá bảo tàng” dành cho thiếu nhi 6-15 tuổi trên địa bàn thành phố. Tại chương trình, các em được tham quan các không gian nghệ thuật của bảo tàng; trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ và vẽ, tô tranh chủ đề tự do.

Theo ghi nhận, hoạt động thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia; đồng thời tạo không khí vui tươi, sôi động, góp phần đưa mỹ thuật đến gần hơn với thế hệ trẻ. Tham gia các hoạt động tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, em Lê Nhật Bảo, học sinh Trường quốc tế UKA - UK Academy Đà Nẵng bày tỏ: “Em rất hạnh phúc khi được tự tay in một bức tranh Đông Hồ. Các họa sĩ của bảo tàng hướng dẫn rất nhiệt tình, chu đáo nên việc in, vẽ tranh không quá khó khăn. Sau lần trải nghiệm này, em xin gia đình tiếp tục quay lại bảo tàng để tham gia các hoạt động”.

Thiếu nhi cũng là lứa tuổi Bảo tàng Điêu khắc Chăm tập trung để hưởng ứng ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022. Anh Lý Hòa Bình, chuyên viên phòng Giáo dục và Thuyết minh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, bảo tàng vừa phối hợp Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (quận Thanh Khê) tổ chức chương trình giáo dục di sản thông qua hình thức trực tuyến cho hơn 120 học sinh khối lớp 6 đang học tập tại trường.

Trước đó, đơn vị phối hợp một số trường học tổ chức chương trình giáo dục trực tuyến, giúp hàng trăm em học sinh trên địa bàn tìm hiểu, trải nghiệm không gian trưng bày tại bảo tàng và di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn qua ứng dụng tham quan ảo. “Việc bảo tàng đưa vào hình thức giáo dục trực tuyến giúp các trường học có thêm lựa chọn trong chương trình ngoại khóa. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn và giáo dục về văn hóa, di sản theo nhu cầu của nhà trường, học sinh”, anh Bình chia sẻ.

Khẳng định giá trị của bảo tàng

Nếu nói văn hóa là hình ảnh, thương hiệu của mỗi quốc gia, thì các bảo tàng là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu này, các bảo tàng trên địa bàn thành phố triển khai nhiều chương trình mới, gắn kết cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, ngày Quốc tế bảo tàng hằng năm là cơ hội để những người làm nghề sáng tạo các hoạt động theo chủ đề. Với chủ đề “Sức mạnh của bảo tàng”, đơn vị hướng đến mục tiêu gieo mầm mỹ thuật, định hướng thẩm mỹ, giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Từ đầu năm đến nay, đơn vị triển khai nhiều hoạt động triển lãm phát huy giá trị di sản mỹ thuật, động viên tinh thần sáng tác, tạo ra cái đẹp cho xã hội.

“Cuối tháng 5-2022, bảo tàng có kế hoạch tổ chức triển lãm “Nâng cánh ước mơ” lần thứ 2 cho trẻ em khuyết tật, mồ côi trên địa bàn tham gia. Cùng với đó, tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm in, vẽ tranh, văn nghệ, tặng quà động viên các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho xã hội”, bà Trinh thông tin.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022 với chủ đề “Sức mạnh của bảo tàng” là dịp để khẳng định bảo tàng có sức mạnh để biến đổi thế giới xung quanh. Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức hàng loạt các sự kiện, hoạt động hấp dẫn, trong đó nổi bật là thực hiện triển lãm tái hiện cuộc sống của ngư dân làng chài Đà Nẵng. Định hướng trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục làm mới mình, không chỉ là nơi lưu trữ, trưng bày mà sẽ xây dựng các hoạt động mang tính tuyên truyền, chia sẻ, giáo dục cộng đồng phát huy những giá trị văn hóa, di sản. Trong đó, kế hoạch thực hiện triển lãm về các vấn đề của cuộc sống như: văn hóa chợ Đà Nẵng; những đổi thay trong cuộc sống người Cơtu tại Đà Nẵng…

Hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng đang xây dựng các chương trình dạy học trực tuyến, gắn với lịch sử, văn hóa tại địa phương. Dự kiến tháng 8-2022, triển khai dạy thử nghiệm ở các cấp học, nội dung giới thiệu về các di sản nghề truyền thống của Đà Nẵng. “Đây là dự án mà Bảo tàng Đà Nẵng mạnh dạn đi đầu trong việc khơi dậy tình yêu lịch sử, môn học lịch sử cho thế hệ trẻ. Giáo trình, phương pháp giảng dạy đã được bảo tàng nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tạo ra sự hứng thú cho học sinh. Thông qua chương trình này cũng như các hoạt động khác của bảo tàng để tạo thành sức mạnh, góp phần giáo dục con người, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và mang lại thay đổi tích cực trong cộng đồng”, ông Thiện khẳng định.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.