Đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

.

Ngày 29-7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2022.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Hội nghị thống nhất những tháng còn lại của năm 2022, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam cần chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, hoàn thiện các thủ tục để Đề án hỗ trợ sáng tạo văn học, nghệ thuật giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực thi hành; Liên hiệp và các Hội tiếp tục rà soát lại nội dung hoạt động, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác, kiện toàn tổ chức, nhân sự các đơn vị trực thuộc; xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp trong hoạt động, quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ, có đề án cụ thể để chuẩn bị tốt công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt của hội (giai đoạn 2025 - 2030), từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các Hội, khơi dậy mọi tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường tiếng nói phản biện xã hội của các Hội, tham gia tích cực cùng các bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển. Trước mắt, trong 6 tháng cuối năm, Liên hiệp và các Hội cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết thực tiễn, kịp thời kiến nghị các cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ. Liên hiệp và các Hội cần quan tâm, đầu tư chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm cho hoạt động tuyên truyền, cho công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật...

Chủ trì Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đánh giá vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, 6 tháng đầu năm 2022, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nỗ lực, đạt được nhiều thành tích. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều chương trình, dự án lớn về văn hóa, nghệ thuật theo phê duyệt của Chính phủ được Liên hiệp và các Hội tích cực triển khai thực hiện, một số chương trình tiếp tục được bổ sung; chất lượng sáng tác, nội dung các hoạt động, tinh thần đồng hành, nhập cuộc của giới văn nghệ sĩ với cuộc sống của nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng được chú trọng, đề cao.

Những tháng còn lại của năm, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; các ý kiến kết luận, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trọng tâm là bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị với 06 nhiệm vụ trọng tâm và 04 nhóm giải pháp.

Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam cần chủ động, sớm xây dựng kế hoạch chuẩn bị tốt Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp (25-7-1948 - 25-7-2023); tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, huy động đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia một cách thiết thực, hiệu quả trong việc tổng kết 15 năm Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất; triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cần rà soát, bổ sung, tập trung hoàn thiện chương trình công tác năm và kế hoạch toàn khóa thiết thực, hiệu quả; từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội; phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tham gia tích cực cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng và thực thi chính sách có liên quan, chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong giới văn nghệ sỹ, kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong lĩnh vực hoạt động, thông tin kịp thời với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan để định hướng dư luận, đấu tranh, phản bác với những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội, tham gia đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống...

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều chương trình, sự kiện, chính sách mới cho văn hóa, văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để triển khai. Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Lê Minh Nhựt, thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã tạo bước ngoặt, đem lại luồng sinh khí mới thúc đẩy lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển.

Liên hiệp và các tổ chức thành viên duy trì ổn định tổ chức và triển khai các hoạt động theo đúng định hướng đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng; phát huy vai trò nòng cốt trong các hoạt động, chủ động, linh hoạt, theo yêu cầu và điều kiện thực tế của từng đơn vị. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ có nhiều chuyển động mới, đời sống văn học nghệ thuật có bước khởi sắc, phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều cuộc hội thảo lớn diễn ra với những phương thức sinh động, sáng tạo. Báo chí, truyền thông, không gian mạng được sử dụng hiệu quả, phát huy tốt vai trò là kênh thông tin tuyên truyền chủ đạo, tạo thành các sân khấu, sân chơi, diễn đàn văn học, nghệ thuật đồng hành, cổ vũ nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, tăng cường phục hồi lao động, sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ văn nghệ sĩ, Liên hiệp và các Hội tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị  ngoại giao quan trọng của đất nước...

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.