Bảo tồn, phát huy di tích Văn chỉ La Châu

.

Tháng 7-2022, UBND thành phố ban hành quyết định xếp hạng di tích Văn chỉ La Châu (thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) là di tích cấp thành phố. Điều này càng trở nên ý nghĩa khi tính đến nay, văn chỉ duy nhất còn lại trên địa bàn thành phố này vừa tròn 170 năm xây dựng (1852-2022).

Văn chỉ La Châu (huyện Hòa Vang) là một biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa kép, vừa ở khía cạnh hiếu học, coi trọng sự học, vừa phản ánh thực tiễn văn tài của địa phương.  Ảnh: XUÂN DŨNG
Văn chỉ La Châu (huyện Hòa Vang) là một biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa kép, vừa ở khía cạnh hiếu học, coi trọng sự học, vừa phản ánh thực tiễn văn tài của địa phương. Ảnh: XUÂN DŨNG

Minh chứng cho truyền thống hiếu học

Theo Phòng Quản lý di sản (Bảo tàng Đà Nẵng), Văn chỉ La Châu là hình thái “văn miếu” cấp huyện. Đây là nơi sinh hoạt tinh thần của tầng lớp văn thân, sĩ phu thuộc hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo lúc bấy giờ; đồng thời là nguồn lực thúc đẩy sự nghiệp học vấn, bảo tồn nền văn hóa của dân tộc tại địa phương.

Người có công sáng lập Văn chỉ La Châu là cụ Đỗ Thúc Tịnh (1818-1862) - tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của huyện  Hòa Vang. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), nhân chuyến về thăm nhà, ông đã bàn thảo với thân hào, nhân sĩ trong Hội tư văn huyện xúc tiến xây dựng Văn chỉ La Châu, đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) thì hoàn thành.

Văn chỉ La Châu là di tích văn hóa tiêu biểu, thiết chế quy mô lớn, có giá trị quan trọng đối với nhân dân và tiến trình lịch sử địa phương. Hiện trên địa bàn thành phố, Văn chỉ La Châu là văn chỉ duy nhất còn sót lại. Thành phố còn có một Văn thánh Xuân Thiều, có chức năng tương tự văn chỉ, nhưng di tích này chưa được xếp hạng và đã được quy tập về gần miếu Hàm Trung (quận Liên Chiểu).

Trải qua thăng trầm lịch sử, di tích gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng gạch và 5 văn bia. Rất may, trong số đó có 2 văn bia bị vỡ nhưng chữ viết trên bia còn nguyên vẹn (1 văn bia bị vỡ đang được Bảo tàng Đà Nẵng bảo quản). Nội dung chủ yếu các văn bia là ghi lại quá trình xây dựng, trùng kiến văn chỉ cũng như sự đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, thân hào địa phương.

Ngoài ra, còn có văn bia khắc ghi danh tính những người ở huyện Hòa Vang học hành đỗ đạt qua các kì thi dưới triều Nguyễn. Như vậy, có thể nói, Văn chỉ La Châu là minh chứng vật chất thuyết phục cho truyền thống hiếu học của người Hòa Vang nói riêng và từ đó, góp phần tạo nên văn mạch đằng đẵng không dứt của vùng đất xứ Quảng nói chung. Nói một cách khác, Văn chỉ La Châu là một biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa kép, vừa ở khía cạnh hiếu học, coi trọng sự học, vừa phản ánh thực tiễn văn tài của địa phương.

Phát huy tối đa giá trị di tích

Việc Văn chỉ La Châu được công nhận là di tích cấp thành phố, người dân địa phương vô cùng vui mừng, phấn khởi. Ông Trần Em, Trưởng thôn Gò Hà, xã Hòa Khương cho biết, văn chỉ được xếp hạng, trùng tu khang trang là mong mỏi của người dân nhiều năm nay. Thời gian qua, mặc dù không có ban quản lý hay người trông coi cố định nhưng người dân vẫn ý thức gìn giữ, chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh tại văn chỉ.

Về việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, khi xưa tại văn chỉ luôn duy trì tế tự vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch hằng năm, gọi là Xuân tế và Thu tế. Bên cạnh đó, tại đây còn diễn ra lễ vinh danh người đỗ đạt của huyện, cũng như hoạt động cúng bái của sĩ tử, các tư gia có con cháu theo đòi bút nghiên nhằm cầu mong sự thành tài trong đường khoa cử.

“Ngày nay, dù không còn các sinh hoạt nghi lễ truyền thống, nhưng hằng năm, chính quyền, người dân địa phương và con cháu Đỗ tộc đều đến đây thực hiện lễ tế, dâng hương tưởng niệm tiền nhân đã có công tạo dựng văn chỉ vào 15-3 âm lịch”, ông Em cho biết thêm.

Từ khi xây dựng đến nay, Văn chỉ La Châu trải qua 5 lần trùng tu. Trong đó, lần gần nhất vào năm 2015 với kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện Hòa Vang.Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí cho biết, việc phục dựng lại Văn chỉ La Châu trên nền đất cổ xưa không chỉ đơn thuần là lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, nhất là giáo dục truyền thống hiếu học cho người dân địa phương.

Vừa qua, nhân kỷ niệm 170 năm xây dựng Văn chỉ La Châu, địa phương đã tổ chức giáo dục truyền thống cho người dân và trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học với tổng số tiền 10 triệu đồng; trao giải thưởng cuộc thi tìm hiểu 170 năm xây dựng Văn chỉ La Châu.

Với Văn chỉ La Châu mới được xếp hạng, hiện huyện Hòa Vang có 27 di tích trong tổng số 67 di tích đã được xếp hạng của thành phố. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân, nhằm tiếp tục phát huy giá trị Văn chỉ La Châu, huyện đang nghiên cứu phương án xây dựng bản đồ chỉ dẫn, biển chỉ dẫn đường đến di tích.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị có hoạt động khuyến học trên địa bàn thành phố tổ chức các sự kiện liên quan tại di tích; thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt về nguồn, học tập ngoại khóa cho học sinh các cấp học trên địa bàn Hòa Vang và rộng hơn, nhằm ôn cố tri tân, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử cho thế hệ tương lai.

Một vấn đề rất quan trọng khác là mở rộng phạm vi không gian và tôn tạo cảnh quan tổng thể của di tích. Hiện nay, không gian của văn chỉ tương đối thoáng đãng, song mặt bằng cũng như sân vườn vẫn chưa đủ rộng để đáp ứng các hoạt động đông người tham gia.

Do đó, huyện đang lập quy hoạch mở rộng sân vườn, cải tạo khuôn viên, làm đường vào đấu nối với đường vành đai phía nam để thuận tiện đi lại, dự kiến năm 2023 triển khai. Đồng thời, đề nghị xã Hòa Khương kế hoạch tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố cho Văn chỉ La Châu để tuyên truyền rộng rãi ý nghĩa, giá trị của di tích này đến đông đảo người dân.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.