Khu vực rừng Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) được UBND thành phố thống nhất chủ trương quy hoạch theo hướng giữ lại di tích, không chỉnh trang. Điều này mở ra cơ hội cho các công trình thiết chế văn hóa, lịch sử nằm trong rừng Trung Sơn được xếp hạng di tích cấp thành phố...
Các di tích lịch sử là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). TRONG ẢNH: Đình Trung Sơn được xây dựng từ lúc lập làng và được nhân dân gìn giữ đến tận ngày nay. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Tuy nhiên, do một số vướng mắc trong giải tỏa, di dời nhà dân nên hơn 3 năm nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thể hoàn thành việc khoanh vùng, trình hồ sơ xếp hạng cụm di tích rừng Trung Sơn là di tích lịch sử cấp thành phố. Hiện nay, các cấp chính quyền và cơ quan có liên quan đang tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cụm di tích rừng Trung Sơn.
Tài sản quý giá của nhân dân
Đối với nhân dân thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên), rừng Trung Sơn có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là về mặt văn hóa, lịch sử. Theo UBND xã Hòa Liên, rừng Trung Sơn được nhân dân bảo vệ nguyên vẹn từ lúc lập làng (năm 1670) đến nay. Trong tiến trình lịch sử, rừng Trung Sơn ghi dấu rất nhiều sự kiện. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đây là nơi chỉ huy các trận đánh, che giấu chiến sĩ, vũ khí, lương thực và là bàn đạp để dân quân cánh tây bắc Hòa Vang đánh xuống Đà Nẵng.
Hiện bên trong và ven bìa rừng có các di tích, gồm: đình làng; nghĩa trủng của gần 200 nghĩa sĩ hy sinh; giếng Chăm cổ, nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ của làng qua các thời kỳ; miếu âm linh, miếu Bà Ngũ Hành. Hằng năm, dân làng Trung Sơn tập trung tại miếu âm linh, đình làng để dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và các nghĩa sĩ được an táng ở khu rừng linh thiêng này.
Hơn 350 năm qua, rừng Trung Sơn được coi là “rừng cấm” với các quy định như: không được chặt phá cây rừng, không được lấy cát... Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, xung quanh làng Trung Sơn trước đây có nhiều khu rừng như: Xuân Thiều, Thanh Vinh, Vân Dương, nhưng tất cả đều bị quân Mỹ cày ủi bình địa. Riêng rừng Trung Sơn được nhân dân đấu tranh quyết liệt để giữ lại. Đây là thành tích lớn của quân và dân làng Trung Sơn trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, có thể coi khu rừng là một bảo tàng thiên nhiên quý giá của cộng đồng với nhiều cây cổ thụ và thiết chế văn hóa, lịch sử. “Nhận thấy đây là một quần thể di tích có giá trị, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức khảo sát thực tế, gặp mặt người dân địa phương để tìm hiểu lịch sử, sự kiện gắn với khu rừng từ khi lập làng đến nay. Từ đó, tham mưu UBND huyện trình cấp có thẩm quyền xem xét, xếp hạng di tích cấp thành phố cho cụm di tích rừng Trung Sơn”, ông Tân cho biết.
Khi biết thành phố có chủ trương bảo vệ toàn vẹn cụm di tích rừng Trung Sơn, người dân địa phương vui mừng, phấn khởi. Ông Võ Chí Thanh, Trưởng thôn Trung Sơn cho biết, người dân nơi đây luôn trân trọng và quyết tâm giữ rừng như một báu vật thiêng liêng. Năm 2016, rừng Trung Sơn được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết với quy mô hơn 12ha; trong đó có nhiệm vụ san gạt đồi và sắp xếp lại các công như đình làng, nhà bia... Tuy nhiên, xét thấy dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều di tích trong vùng, người dân trong làng đề nghị giữ nguyên hiện trạng di tích, không khai thác cát trong khu vực. Nhiều năm trước cũng có doanh nghiệp đến lập kế hoạch khai thác cát, hứa sẽ xây dựng lại di tích nhưng dân làng kiên quyết phản đối.
“Hiện thôn Trung Sơn có gần 200 hộ dân sinh sống, trong đó 23 hộ nằm trong vùng quy hoạch dự án cụm di tích, thường xuyên bị ngập lụt, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, qua thời gian, một số di tích trong cụm cũng đang xuất hiện dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong thành phố nhanh chóng giải quyết, bố trí đất tái định cư cho những hộ trong vùng quy hoạch, đồng thời có biện pháp kịp thời bảo tồn, trùng tu, phục hồi các di tích này”, ông Thanh bày tỏ.
Bảo vệ di tích, ổn định cuộc sống người dân
Theo anh Lê Văn Phúc, chuyên viên Phòng Quản lý di sản (Bảo tàng Đà Nẵng), cụm di tích có tất cả 6 công trình tín ngưỡng, tọa lạc trong và xung quanh bìa rừng Trung Sơn. Tất cả các di tích này đều đáp ứng được các tiêu chí để xếp hạng di tích cấp thành phố theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa. Với trách nhiệm của mình, Phòng Quản lý di sản đã hoàn thành lý lịch di tích từ năm 2020, thực hiện khảo tả di tích, thống kê hiện vật… Song, do vướng mắc trong vấn đề đất đai, còn nhà dân trong khu di tích, chưa giải tỏa đền bù xong. Do đó, dẫn đến việc chưa thể khoanh vùng khu vực bảo vệ, thiếu thủ tục trong hồ sơ khoa học trình cấp trên xếp hạng di tích cấp thành phố.
“Theo nguyên tắc, di tích đã được xếp hạng thì thành phố mới bố trí vốn đầu tư trùng tu, tôn tạo. Những thủ tục cần thiết, thuộc nhiệm vụ của ngành văn hóa, đơn vị đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, còn một số phần việc liên quan đến các cơ quan, đơn vị khác, chưa được giải quyết xong, nên đơn vị đang tích cực phối hợp để nhanh chóng bảo tồn những di tích này”, ông Phúc cho biết.
Liên quan đến vấn đề đất đai, ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang cho biết, tại khu vực dự án cụm di tích rừng Trung Sơn có 23 hộ dân nằm trong diện phải di dời. Mặt khác, các hộ này cũng nằm trong vùng trũng, thường xuyên bị úng ngập vào mùa mưa lũ. Do đó, thành phố đồng ý cho giải phóng mặt bằng, lấy kinh phí từ nguồn đền bù của tuyến đường ĐT601 chi trả và bố trí tái định cư cho các hộ này.
“Huyện đã tính toán giá cả đền bù theo đúng quy định, gửi thông báo và làm việc với người dân. Chúng tôi đã giải quyết được cho gần 10 hộ, số còn lại đang tiếp tục làm việc, chi trả để người dân ổn định cuộc sống trước mùa mưa năm nay”, ông Ngạnh thông tin.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng, đối với dự án cụm di tích rừng Trung Sơn, địa phương đã thực hiện bản vẽ mặt bằng tổng thể di tích tỷ lệ 1/500; phối hợp Bảo tàng Đà Nẵng lập lý lịch di tích cũng như tất cả những phần việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của huyện. Vấn đề đầu tư, triển khai dự án phụ thuộc vào nguồn vốn, do thành phố quyết định. Hiện nay, thành phố đang giải quyết nguồn vốn cho công tác giải tỏa đền bù. Sở dĩ công tác này kéo dài vì một số hộ dân chưa đồng thuận trong việc đền bù, bố trí tái định cư. Do đó, huyện cũng thường xuyên gặp gỡ trao đổi, thông tin đến người dân để nhanh chóng triển khai dự án, kịp thời bảo tồn các di tích gắn với rừng Trung Sơn.
“Đối với vấn đề giữ nguyên vẹn các thiết chế văn hóa, tâm linh tại rừng Trung Sơn theo nguyện vọng của nhân dân, UBND huyện đã yêu cầu đơn vị đầu tư dự án triển khai trên tinh thần tôn tạo di tích, cải tạo cảnh quan, không làm biến đổi hiện trạng, giữ lại các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử quan trọng”, ông Dũng cho biết.
XUÂN DŨNG