Sách mới, sách hay

.

1. Ai cũng muốn sống hạnh phúc. Ai cũng có quyền hy vọng vào tương lai. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng khi đã đánh mất hy vọng, tự cắt đứt các kết nối, mối quan hệ và dần trở nên cô lập… Khi ấy, họ thường chọn cái chết để chấm dứt sự tồn tại của mình, trong cảm giác đau khổ tột độ về tinh thần.

 

Với mục đích chữa lành những nỗi đau tinh thần, cố giáo sư Lim Sewon (Đại học Y khoa Sungkyunkwan, Hàn Quốc), tác giả cuốn sách Làm gì có ai thực lòng muốn chết (NXB Văn học, 2022) ghi lại những cuộc gặp của ông và người trầm cảm trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Kang Buk Samsung. Công việc của ông là tìm kiếm những phương pháp chữa lành hiệu quả. Theo tác giả, một khi người trầm cảm tìm đến sự giúp đỡ của người khác, nghĩa là họ đang đi tìm sự kết nối, niềm tin, hi vọng để cứu rỗi cuộc đời mình. Làm gì có ai thực lòng muốn chết được viết bằng ngôn từ giản dị, ẩn chứa nhiều thông điệp, phương pháp chữa lành giúp những người đang rơi vào trạng thái trầm cảm tìm thấy hy vọng cho bản thân; đồng thời giúp những người thân cận hiểu hơn về căn bệnh này để có sự đồng hành phù hợp.

2. Người kể chuyện tuổi trẻ (NXB Thế Giới, 2022) là tập bút ký tâm huyết của tác giả trẻ Vũ Hoàng Long, chủ bút fanpage Người Kể Chuyện có hơn 130.000 lượt theo dõi. Bút danh Người Kể Chuyện gắn liền với sự trưởng thành của chính tác giả, với những câu chuyện của bà nội về thời thơ ấu, chiến tranh, bao cấp và đổi mới: tình yêu giữa bố và con gái có liên quan gì đến nạn đói năm 1945; tình bạn tuổi học trò trong cuộc kháng chiến chống Pháp; người mẹ một mình nuôi ba đứa con dưới những trận mưa bom của Mỹ trên bầu trời Hà Nội như thế nào…

 

Với 40 bút ký, tác giả Vũ Hoàng Long chia sẻ những góc nhìn, cảm nghiệm sâu sắc về tuổi trẻ, nhân sinh quan. Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập những vấn đề vốn được người trẻ quan tâm, như độc lập tài chính, lao động có phong cách, sống có mục đích… Theo tác giả, mốc trưởng thành của con người không nằm ở một thời điểm cụ thể như tròn mười tám, đôi mươi hay ngày đi làm đầu tiên, mà là chuỗi khoảnh khắc khi bản thân biết suy tư mình là ai, mình như thế nào.

THẢO MIÊN

;
;
.
.
.
.
.