Tại các nhà hát của thành phố, có nhiều nghệ sĩ dù không xuất thân trong gia đình truyền thống nghệ thuật, song lại quyết tâm theo đuổi, dành trọn tình yêu đối với lĩnh vực này. Đam mê mãnh liệt đó không chỉ giúp họ thành công trong sự nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy họ gắn bó, nỗ lực cống hiến và tận tâm truyền lửa nghề cho bao thế hệ nghệ sĩ trẻ kế cận.
Một vở tuồng do NSƯT Phan Văn Quang và các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trong tháng 6-2022. Ảnh: THIÊN DUYÊN |
Nỗ lực không mệt mỏi
Nếu có dịp đến xem các buổi tập luyện của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, không khó để bắt gặp một người nghệ sĩ có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành đang tập trung quan sát và chỉnh sửa từng động tác cho các diễn viên. Đó là NSƯT Phan Văn Quang (SN 1970, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) - người đã dành gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng truyền thống.
NSƯT Phan Văn Quang cho biết, gia đình anh không ai theo con đường nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, anh lại đặc biệt yêu thích những vở cải lương, hát bội. Cơ duyên theo đuổi nghệ thuật tuồng đến với anh cũng khá bất ngờ, khi năm lớp 10 tình cờ nghe tin Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thi tuyển diễn viên, anh đến thi thử và đậu.
Những năm sau đó, NSƯT Phan Văn Quang theo học trường trung cấp, cao đẳng rồi trở thành diễn viên chủ lực của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Trong sự nghiệp làm diễn viên của mình, anh thể hiện thành công nhiều vai diễn và để lại tiếng vang như: Trần Bình Trọng, Hoàng Phi Hổ, Địch Thanh, Đào Phi Phụng… “Nghệ thuật truyền thống nói chung, tuồng nói riêng rất kén người theo lẫn người xem. Bên cạnh đó, thu nhập của nghề này vốn không cao, nên nếu không đam mê, chịu khó thì tôi đã không thể sống được với nghề. Trong quá trình làm nghề, tôi luôn học hỏi thế hệ cha chú đi trước, nhìn đồng nghiệp khổ luyện để động viên mình cố gắng, không bỏ cuộc”, NSƯT Phan Văn Quang chia sẻ.
Với đam mê, tâm huyết truyền lửa nghề cho các thế hệ kế cận, năm 2011, NSƯT Phan Văn Quang xin nhà hát đi học lớp đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Việc này một phần nhằm giúp anh thỏa niềm ước mơ làm đạo diễn, tiếp đến là đóng góp cho nhà hát tuồng. Đến năm 2016, anh tốt nghiệp lớp đạo diễn và quay trở về tập trung dàn dựng nhiều vở tuồng, trích đoạn chất lượng cho nhà hát. Đây cũng là thời gian anh lùi dần về phía sau sân khấu để hướng dẫn, hỗ trợ, truyền dạy kinh nghiệm biểu diễn cho thế hệ nghệ sĩ, diễn viên kế cận.
Trong 6 năm làm đạo diễn, NSƯT Phan Văn Quang đã dàn dựng cho các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn khoảng 10 vở tuồng và trích đoạn như: Nàng Tấm, Rực lửa hoàng cung, Người thầy của muôn đời... Đây là thành quả của quá trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi, không phải nghệ sĩ nào cũng làm được. NSƯT Phan Văn Quang chia sẻ: “Dù ở vai trò khác, song tôi tâm niệm phải không ngừng học hỏi, tìm cách nâng cao chất lượng các vở diễn để tiếp tục “giữ lửa” và phát triển nghề. May mắn là những thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát hiện nay đều rất tài năng và có đam mê, tâm huyết với nghề. Vì vậy, tôi tin rằng trong tương lai, hoạt động của nhà hát tuồng sẽ ngày càng phát triển vượt bậc, nghệ thuật tuồng xứ Quảng ngày càng đến gần hơn với công chúng”.
Tận tâm với nghệ thuật
Với những người hoạt động nghệ thuật, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc ở Đà Nẵng, ca sĩ Nguyễn Đức Vũ (SN 1981, Nhà hát Trưng Vương) là cái tên không còn xa lạ. Anh được khán giả và đồng nghiệp biết đến, quý mến bởi giọng hát hay và luôn truyền năng lượng tích cực đến mọi người. Ca sĩ Đức Vũ kể, anh sinh ra trong một gia đình không ai hoạt động nghệ thuật. Vì vậy, khi anh bày tỏ nguyện vọng muốn theo sự nghiệp ca hát, gia đình đều ngạc nhiên. Con đường đến với ca hát của anh cũng rất tình cờ khi anh chỉ thích hát và biết hát. Thế nhưng, tình yêu với âm nhạc đã thôi thúc anh quyết tâm theo đuổi nghề và tìm trường để học thành tài.
Năm 2002, khi tham gia kỳ thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng với 400 người dự thi, anh xuất sắc là 1 trong 4 người trúng tuyển. Sau khi ra trường (năm 2005), anh đầu quân cho Nhà hát Trưng Vương và hoạt động chuyên nghiệp cho đến nay. Dòng nhạc sở trường của anh là nhạc cách mạng và nhạc nhẹ. Suốt sự nghiệp của mình, ca sĩ Đức Vũ tham gia hàng trăm chương trình, chuyến lưu diễn đến các tỉnh, thành phố của Nhà hát Trưng Vương. Đồng thời, đạt một số giải thưởng cao tại các liên hoan, cuộc thi về âm nhạc như: giải A cuộc thi tiếng hát Việt - Pháp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019, các cuộc thi âm nhạc cấp thành phố…
Tài năng của anh đã được đồng nghiệp và khán giả ghi nhận, nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong gần 20 năm hoạt động ca hát, hiện ca sĩ Đức Vũ mới đang thực hiện một sản phẩm âm nhạc đầu tay mang tên “Trái tim vỗ về trái tim”, dự kiến phát hành cuối năm 2022.
Ca sĩ Đức Vũ tâm sự: “Với quan niệm “Một nghề chín còn hơn chín nghề”, những năm qua tôi luôn tập trung nâng cao hơn nữa kỹ năng, giọng hát của mình và thực hiện tốt các công việc của nhà hát. Những năm gần đây, tôi được giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội ca của Đoàn ca múa nhạc nhà hát nên lại dành thêm thời gian hướng dẫn, hỗ trợ các ca sĩ trẻ. Cứ như thế, công việc cuốn tôi đi và tôi quên cả việc ra sản phẩm của riêng mình”.
Nhờ bề dày kinh nghiệm biểu diễn, cùng với sự tận tậm, nhiệt thành với nghề, ca sĩ Đức Vũ luôn được các đồng nghiệp, nhất là những thế hệ ca sĩ trẻ quý mến, chọn làm tấm gương để noi theo. Măc dù vậy, ca sĩ Đức Vũ vẫn tâm niệm phải tiếp tục cố gắng, vượt quá những giới hạn của bản thân và dám thử sức mình ở những khía cạnh mới. Đồng thời, anh tự nhủ sẽ dành hết tâm huyết, mang tất cả những gì đã học, đúc kết được trong quá trình làm nghề để truyền dạy lại cho các bạn trẻ vì mục tiêu lớn hơn là phát triển Nhà hát Trưng Vương và hoạt động âm nhạc của thành phố.
“Tôi mong muốn được hát và cống hiến cho Nhà hát Trưng Vương. Điều này xuất phát từ tình yêu đối với nhà hát, sau đó là đối với thành phố. Tôi tin rằng nhiều nghệ sĩ, ca sĩ khác cũng như vậy, được sống hết mình cho nghệ thuật là niềm hạnh phúc không thể đong đếm được”, ca sĩ Đức Vũ bày tỏ.
Ngoài NSƯT Phan Văn Quang, ca sĩ Đức Vũ, còn nhiều nghệ sĩ khác vẫn đang bền bỉ, miệt mài nuôi dưỡng đam mê và tận tâm với thế hệ trẻ. Những việc làm thầm lặng của họ đang từng ngày nhân lên trong thế hệ trẻ tình yêu với nghệ thuật và góp phần phát triển sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn của thành phố.
THIÊN DUYÊN