Di sản vươn tầm thế giới

.

Ngày 26-11, hệ thống ma nhai (văn tự khắc trên vách đá) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyên gia đang tiến hành in rập thác bản ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng
Chuyên gia đang tiến hành in rập thác bản ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, lập và trình hồ sơ, Đà Nẵng đã có di sản thế giới đầu tiên. Đây không chỉ là vinh dự, sự tự hào của thành phố trong lĩnh vực văn hóa, mà còn mở ra lợi thế rất lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế, phát huy các di sản phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực được đền đáp

10 giờ 30 sáng 26-11 theo giờ Việt Nam, tại hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (gọi tắt là MOWCAP) diễn ra ở Hàn Quốc, đoàn công tác của Đà Nẵng bảo vệ thành công và nâng cao tấm bằng công nhận ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại hội nghị này, Việt Nam có 2 hồ sơ đăng ký gồm ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn và văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) của tỉnh Hà Tĩnh và cả 2 hồ sơ này đều được vinh danh. Trong đó, hệ thống ma nhai của Đà Nẵng được các thành viên hội đồng MOWCAP đánh giá cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học. Đây là một danh hiệu cao quý, đáng tự hào của Đà Nẵng, khẳng định thành phố không chỉ là một đô thị phát triển về kinh tế, mà còn là địa phương có ký ức và bề dày lịch sử - văn hóa.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử cho biết, trước khi ma nhai Ngũ Hành Sơn của thành phố và văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) được vinh danh, Việt Nam có 7 danh hiệu di sản tư liệu (2 di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới và 5 di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Vì vậy, để có thể được công nhận, di sản phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe của UNESCO. “Lợi thế của thành phố là ma nhai rất hiếm ở Việt Nam và trong danh mục di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng không có nhiều. Đây là điểm nhấn để thể hiện “tính độc đáo, hiếm có” của di sản - một trong những tiêu chí quan trọng và có tính cạnh tranh để Đà Nẵng đạt được danh hiệu này”, ông Xử cho biết.

Theo NSND Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc ma nhai tại Ngũ Hành Sơn được vinh danh là niềm vui rất lớn cho Đà Nẵng trong lĩnh vực văn hóa. Kết quả này còn là sự đền đáp xứng đáng cho những sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành văn hóa, các cấp chính quyền thành phố trong việc nhận diện giá trị, nghiên cứu, lập và đệ trình hồ sơ công nhận ma nhai là di sản cấp khu vực.

Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn có giá trị rất độc đáo, quý hiếm và không thể thay thế. “Việc nhận diện được giá trị, nỗ lực xây dựng hồ sơ công nhận để nhanh chóng có biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là bước đi đúng đắn, kịp thời nhằm giữ gìn và kết nối những ký ức của tiền nhân với hậu thế”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (thứ 4, bên phải sang) cùng đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng đón nhận bằng công nhận ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong sáng 26-11, tại Hàn Quốc. Ảnh: PV
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (thứ 4, bên phải sang) cùng đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng đón nhận bằng công nhận ma nhai Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong sáng 26-11, tại Hàn Quốc. Ảnh: PV

Phát huy giá trị di sản

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, sau khi được công nhận, ma nhai Ngũ Hành Sơn được UNESCO hỗ trợ hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, có thể tham gia nhóm các cơ quan có di sản tài liệu được công nhận bởi UNESCO; trở thành đối tượng của những nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho việc bảo quản di sản tài liệu.

Đồng thời, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để thành phố đệ trình UNESCO công nhận Danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới. “Đây là lợi thế lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế, phát huy các giá trị di sản phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội”, ông Thiện nhấn mạnh.

Mặt khác, việc ma nhai được công nhân cũng là động lực, cơ sở cho thành phố phát triển du lịch bền vững. Theo Trưởng ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Hiền, những điểm đến có các di sản văn hóa được UNESCO công nhận danh hiệu luôn là điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam, được du khách quốc tế ưu tiên lựa chọn.

Chính vì vậy, việc ma nhai được UNESCO công nhận là di sản cấp khu vực không chỉ giúp nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, mà còn hứa hẹn thu hút khách du lịch đến với danh thắng. “Thời gian tới, Ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông về di sản ma nhai. Đồng thời, kết nối với các đơn vị lữ hành, du lịch để hình thành các tour tham quan, góp phần lan tỏa và phát huy giá trị di sản quý giá này đến công chúng”, ông Hiền nói.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi khẳng định, sau khi được UNESCO vinh danh, Đà Nẵng sẽ nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn bền vững và phát huy giá trị di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn. Trong đó, có phương án bảo tồn ma nhai nguyên hiện trạng và khôi phục, tái tạo những nội dung văn tự bị phong hóa. Cùng với đó, có kế hoạch phát huy tối đa giá trị của di sản này thông qua công tác truyền thông, quảng bá, xuất bản ấn phẩm, làm phim tư liệu. Đồng thời, gắn việc phát huy di sản với đẩy mạnh du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển.

Giá trị về nhiều lĩnh vực
Ma nhai Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm, được khắc trên vách đá và hang động của Danh thắng Ngũ Hành Sơn với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.