Hát bả trạo: Gian nan tìm người kế cận

.

Hát bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, gắn với lễ hội Cầu ngư của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này dần bị mai một. Khôi phục và phát huy loại hình nghệ thuật này đang là trăn trở rất lớn của những người tâm huyết với di sản hát bả trạo.

Ông Phùng Phú Phong (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) (bên trái) hướng dẫn cho thế hệ sau về những câu hát bả trạo của địa phương. Ảnh: THIÊN DUYÊN
Ông Phùng Phú Phong (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) (bên trái) hướng dẫn cho thế hệ sau về những câu hát bả trạo của địa phương. Ảnh: THIÊN DUYÊN

Theo nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Trần Hồng - người có công trình nghiên cứu tâm huyết về hát bả trạo lý giải, “bả” nghĩa là nắm chắc, “trạo” nghĩa là mái chèo. Nắm chắc mái chèo giữa biển khơi là tâm nguyện của cư dân miền biển. Hát bả trạo còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như: chèo bả trạo, chèo cạn, hò đưa linh…

Đây là hình thức diễn xướng nghi lễ được trình diễn trong lễ hội Cầu ngư truyền thống, gắn liền với tín ngưỡng thờ cá Ông, cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, được mùa chài lưới. Bên cạnh đó, hát bả trạo cũng là hình thức diễn xướng mô phỏng đời sống sinh hoạt lao động của ngư dân, thể hiện được cái chất “ăn sóng nói gió”, chất phác của những người quanh năm gắn với biển cả. Vì thế, giữ bả trạo cũng chính là giữ hồn biển, chất biển.

Nhiều năm trước, tại các địa phương ven biển Đà Nẵng, hát bả trạo rất phổ biến và là phần không thể thiếu của lễ hội Cầu ngư. Song, những năm gần đây, loại hình diễn xướng dân gian này dần bị mai một, chỉ thi thoảng xuất hiện trong các đám tang để hát tiễn đưa người đã khuất. Trong lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà năm 2022, tổ chức tại phường Mân Thái, người dân cũng không còn thấy hát bả trạo xuất hiện. Ông Phùng Phú Phong (84 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, nguyên nhân chính khiến hát bả trạo “vắng bóng” là không còn đội hát. Ở phường Mân Thái hay thậm chí tại các địa phương khác, số người còn giữ được hát bả trạo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, một đội hát bả trạo cần khoảng 20 người trở lên. Trong đó, 3 người tổng (tổng mũi, tổng khoan, tổng lái), 12 con trạo và 5-10 người phục vụ âm thanh, ánh sáng.

Ông Phùng Phú Phong chia sẻ, từ nhỏ ông đã được tiếp xúc, học hát bả trạo từ gia đình và có thâm niên gần 30 năm đi biển cũng như tham gia đội hát bả trạo với vai trò tổng khoan. Ngày nay, 3 tổng trong đội hát trước đây chỉ còn mỗi ông, những người khác đều đã mất. Còn các con trạo cũng lớn lên, lập gia đình và không mặn mà với hát bả trạo. Mặt khác, hát bả trạo rất khó, phải tập luyện tương đối lâu nên thế hệ trẻ ngày nay không đủ kiên nhẫn cũng như yêu thích loại hình diễn xướng này.

“Ngày nay, ngư dân bận rộn những chuyến đi biển xa, không còn hứng thú với bả trạo tập tành cực nhọc. Những năm qua, tôi cũng đã đi tìm những người kế cận nhưng tiếc là chưa ai đáp ứng được”, ông Phong bày tỏ.

Thực tế, tại mỗi địa phương, số lượng người trong đội hát bả trạo và lời hát, điệu múa cũng có những biến tấu khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là đều mô phỏng đời sống lao động của ngư dân trên biển và đang đứng trước thực trạng không tìm ra người kế cận. Ông Nguyễn Thực (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) - một tổng lái trong đội hát bả trạo của địa phương cho biết, đội hát bả trạo ở phường Nại Hiên Đông có 4 tổng, ngoài 3 tổng giống ở các địa phương khác thì còn có thêm 1 tổng khấu. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 2 tổng, 1 tổng lái và 1 tổng mũi còn sống.

Theo ông Thực, điều khó nhất trong việc khôi phục hát bả trạo là đào tạo được diễn viên (tổng). Các tổng không chỉ là người hát chính, mà còn phải thực hiện nhiều động tác múa trong hàng giờ đồng hồ nên yêu cầu phải có giọng hát hay và sức khỏe tốt. “Chúng tôi chỉ sợ nếu thế hệ cũ không còn, di sản quý giá này sẽ bị biến mất hoàn toàn. Vì vậy, nếu tập hợp được một đội hát bả trạo, chúng tôi sẵn sàng đứng ra hướng dẫn, hỗ trợ hết sức”, ông Thực khẳng định.

Là người rất tâm huyết với hát bả trạo, ngư dân Cao Văn Minh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) luôn trăn trở khôi phục và phát huy loại hình diễn xướng dân gian này. Hiện tại, ngoài 1 bản gốc ghi lại những lời ca trong hát bả trạo của thế hệ xưa để lại, ông Minh còn biên soạn thêm 4 kịch bản hát bả trạo mới để làm phong phú, đa dạng hình thức biểu diễn, phù hợp đối với đời sống hiện nay. Theo ông Minh, lễ hội Cầu ngư là tinh hoa của văn hóa biển. Trong đó, hát bả trạo đóng vai trò là yếu tố quan trọng làm nên sự đặc sắc của lễ hội này. Vì vậy, khôi phục và phát huy hát bả trạo là việc làm cần thiết, góp phẩn lưu giữ nét văn hóa và đa dạng sản phẩm phục vụ du lịch của thành phố.

“Trước hết, điều này cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền và sự chung tay của cộng đồng dân cư. Sau đó, những người hướng dẫn phải nỗ lực hết sức để giúp thế hệ kế cận hiểu được ý nghĩa, yếu tố nghệ thuật trong hát bả trạo. Có như vậy, câu hát bả trạo mới trở nên hay và thu hút người nghe”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, nguy cơ mai một của hình thức diễn xướng này rất lớn, xuất phát từ các nguyên nhân như: lễ hội Cầu ngư giảm về quy mô và số lượng, không mang lại nguồn lợi kinh tế cao… Chính vì vậy, thế hệ trẻ không còn quan tâm, yêu thích loại hình diễn xướng này.

“Để khôi phục, phát huy bả trạo, không phải cứ có tiền là xong, mà còn cần một đội ngũ người hướng dẫn tâm huyết và thế hệ trẻ thực sự yêu thích hình thức diễn xướng dân gian này. Đây là một vấn đề nan giải, cần tranh thủ thời gian và sự chung tay, vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía để chúng ta không mất đi di sản phi vật thể quý giá của cha ông để lại”, ông Thiện nói.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.