Để tạo mặt bằng tổ chức hoạt động kỷ niệm, sự kiện cũng như phục vụ nhu cầu tham quan, sinh hoạt tâm linh cho người dân, du khách, lãnh đạo thành phố chỉ đạo ban quản lý dự án, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình văn hóa trọng điểm. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị thi công tập trung vấn đề kỹ thuật, thẩm mỹ, an toàn công trình để bảo đảm chất lượng khi đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn văn hóa của thành phố.
Công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng đang dần hoàn thiện. Ảnh: X.D |
Những ngày này, hàng chục công nhân, kỹ sư đang khẩn trương thi công các hạng mục của dự án nâng cấp, tôn tạo Đài tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 Tháng 3 để đẩy nhanh tiến độ công trình. Trong giai đoạn 1, công trình có kinh phí đầu tư gần 43 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thi công vào ngày 29-3-2022 với thời gian thực hiện 300 ngày.
Tuy nhiên, một số vướng mắc trong quá trình thi công, Ban quản lý dự án dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đề xuất dời ngày hoàn thành công trình đến 30-4-2023. Ông Ngô Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Nam Vinh - đơn vị thi công cho biết, có hai nguyên nhân khiến công trình này chậm tiến độ, gồm: gạch ốp tượng đài đặt từ Nhật Bản về chậm trễ và phải nghiên cứu xử lý kỹ thuật phần tầng hầm. Đây là hai hạng mục quan trọng và tốn nhiều thời gian thi công nhất của công trình này.
Đến nay, công trình đã thi công xong phần móng tấm phù điêu; hoàn thành tháo dỡ gạch ở tượng đài và trát phần thân tượng đài; đang lát đá sân nền phía trước và bậc cấp phía tây công trình... Các đơn vị liên quan đã hoàn thành khảo sát địa chất và kiểm định chất lượng công trình. Viện Quy hoạch xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế kết cấu nền móng cần xử lý để bảo đảm việc lấp cát tầng hầm.
“Chúng tôi cam kết hoàn thành xong phần ốp gạch tượng đài trước Tết Nguyên đán. Sau Tết sẽ xử lý lấp cát sạch toàn bộ tầng hầm và hoàn thành những công việc còn lại, cố gắng bàn giao công trình vào dịp 30-4-2023. Đơn vị rất muốn làm nhanh, nhưng đây là công văn hóa, tâm linh nên không thể vội vàng, mà phải nghiên cứu kỹ, thận trọng trong từng hạng mục thi công”, ông Sơn chia sẻ.
Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng, những ngày cận Tết, không khí thi công càng trở nên khẩn trương. Nhìn từ đường Bạch Đằng, hình hài tòa nhà bảo tàng mới đang dần hoàn thiện. Theo ông Lê Văn Tuyết, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, Ban quản lý và nhà thầu phối hợp giám sát chặt chẽ tiến độ công trình.
Đến nay, nhà thầu đã xây dựng xong phần thô khối bảo tàng xây mới, hiện đang sơn tường dầm trần; đóng vách, trần thạch cao; ốp lát gạch, đá trong nhà; lắp đặt tấm bê-tông ốp tường. Bên cạnh đó, đang thi công phần kết cấu móng khối nhà 31 Trần Phú, tiếp tục cải tạo khối nhà 42 và 44 Bạch Đằng và lát đá đường dạo... Trong đó, đơn vị thi công cơ bản tập trung cải tạo phần nội thất, giữ nguyên hiện trạng nhà cổ phần ngoại thất.
Trong quá trình thi công, Ban quản lý dựa trên quy trình quản lý chất lượng, đề cương giám sát để phối hợp nhà thầu nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành. Đối với gói thầu xây lắp, gần 2/3 phần việc đã được thực hiện xong. “Đây là công trình văn hóa trọng điểm của thành phố. Do đó, Ban quản lý và nhà thầu đang nỗ lực hoàn thành những hạng mục quan trọng trước Tết Nguyên đán. Riêng phần xây lắp, Ban quản lý cam kết hoàn thành trước ngày 15-3-2023 theo đúng tiến độ hợp đồng; còn phần thi công nội thất, trưng bày dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2023”, ông Tuyết nói.
Sau 1 năm triển khai, nhiều hạng mục quan trọng dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan đã hoàn thành, di tích dần lộ hình hài về gần nguyên trạng. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, đến nay, công trình đã thực hiện hơn 50% tiến độ.
Trong đó, những đoạn tường thành bằng đá quanh cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đã được phục dựng. Nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố đã gần xong phần hồ gạch chờ vào gỗ, đường nội bộ được lát đá liên hoàn. Hầu hết đá dùng để trùng tu, phục dựng được gom góp tại chỗ. Riêng phần cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan và Hải Vân quan được tu bổ bằng gạch vồ đặc trưng thu gom lại trong quá trình tìm kiếm, khảo cổ.
“Trước đó, dự án có một số vấn đề vướng mắc liên quan đến hạ giải đường dây điện, rừng phòng hộ, nhưng đến nay cơ bản đã được hai địa phương phối hợp tháo gỡ. Từ tháng 10-2022 tới nay, mưa gió bất thường ảnh hưởng nhiều đến tiến độ công trình. Nếu thời tiết thuận lợi, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023, đúng theo hợp đồng”, ông Tuấn khẳng định.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử, là đơn vị quản lý, sở thường xuyên theo dõi quá trình thi công, chỉ đạo ban điều hành dự án bảo đảm tiến độ các công trình văn hóa trọng điểm của thành phố. Bên cạnh đề nghị đơn vị thi công bảo đảm các vấn đề về chất lượng, kỹ thuật, thẩm mỹ, sở cũng yêu cầu phải đặt vấn đề an toàn cho công trình lên hàng đầu, nhất là các công trình văn hóa, lịch sử.
Ngoài ra, vấn đề chống ngập nước, chống thấm cho các công trình cũng được chú trọng, kiểm tra kỹ trước khi đưa vào sử dụng. “Theo báo cáo tiến độ, hầu hết các công trình văn hóa trọng điểm đang triển khai sẽ hoàn thành, bàn giao đúng thời hạn. Đây đều là những công trình quan trọng, điểm nhấn của thành phố, nên sở sẽ tiếp tục theo dõi sát sao quá trình thi công nhằm bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, sinh hoạt văn hóa của người dân, du khách”, ông Xử nhấn mạnh.
XUÂN DŨNG