Lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức ở Hoàng Thành Thăng Long

.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI có chủ đề “Nhịp điệu mới” sẽ diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) vào dịp Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023 (tức ngày 5-2-2023).

Hội Nhà văn Việt Nam họp báo về Ngày Thơ Việt Nam năm 2023. Ảnh: PV
Hội Nhà văn Việt Nam họp báo về Ngày Thơ Việt Nam năm 2023. Ảnh: PV

Thông tin trên được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết tại cuộc họp báo ngày 12-1-2023 tại Hà Nội.

Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, Ngày thơ Việt Nam năm Quý Mão 2023 sẽ trở lại với nhiều sự kiện, cách làm mới hơn trước. Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Ngày thơ Việt Nam 2023 được tổ chức với ước vọng hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp, khi đất nước đã vượt qua đại dịch, cuộc sống bình thường trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới cùng với sự phục hồi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội…

Sau 18 năm tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 2023, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn Hoàng thành Thăng Long làm nơi tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 vào ngày Tết Nguyên tiêu xuân Quý Mão 2023. Dưới sự chủ trì của Hội Nhà văn Việt Nam và đồng tổ chức của Ban Quản lý Hoàng Thành Thăng Long, toàn bộ hoạt động của Ngày Thơ được thiết kế và dàn dựng bởi ê-kíp sáng tạo gồm Tổng đạo diễn Lê Quý Dương; phụ trách mỹ thuật - Họa sỹ Phạm Hà Hải, Họa sỹ Lê Đình Nguyên. Sự kiện chính của Ngày Thơ thay vì diễn ra vào buổi sáng, sẽ được tổ chức vào đêm Rằm để tăng hiệu quả âm thanh, ánh sáng và tính sân khấu. Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ là người phụ trách toàn bộ kịch bản cho sự kiện.

Ngày thơ năm nay diễn ra cả ngày Rằm tháng Giêng (tức ngày 5-2-2023) thay vì chỉ diễn ra vào buổi sáng ngày Rằm như những lần tổ chức trước. Trong khuôn khổ các hoạt động diễn ra trong Ngày Thơ Việt Nam, sẽ có những hoạt động mang tính chuyên sâu như Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, tổ chức tại Hội trường lớn của Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long. Tọa đàm có sự tham gia các nhà thơ nhiều thế hệ, thảo luận và làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại; các hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ trong Quán thơ; công chúng tham quan và giao lưu tại Nhà ký ức thơ…

Hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn sẽ có phần trình chiếu các phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam; trình chiếu video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích; trình chiếu phim tư liệu về các hoạt động nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển…

Chương trình nghệ thuật chính của Ngày thơ sẽ diễn ra vào buổi tối ngày Rằm tháng Giêng, tại sân khấu trung tâm trước cổng Đoan Môn. Tại sân thơ này, các nhà thơ của mọi thế hệ sẽ xuất hiện và tham gia trong chương trình. Công chúng sẽ được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… qua giọng đọc của các nhà thơ từ kho tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tiếp theo là phần đọc, trình diễn, diễn xướng thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ; thế hệ nhà thơ sau 1975 đến thời kỳ Đổi mới; cuối cùng là của các nhà thơ trẻ. Đan xen với đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích.

“Năm nay, chúng tôi đã mời Đạo diễn Lê Quý Dương làm tổng đạo diễn chương trình Ngày Thơ, cùng với sự kết hợp của các loại hình âm nhạc, hội họa, trình diễn, ánh sáng… sẽ truyền tải đến những người yêu thơ vẻ đẹp thơ ca trong đời sống, góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn thông qua loại hình văn học.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.