Thú chơi mai cũng lắm công phu

.

Là người có niềm đam mê với mai cảnh, anh Hồ Văn Thành (43 tuổi, trú tổ 48, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm nhiều giống mai. Hiện anh đang sở hữu gần 150 gốc mai lớn nhỏ, ước tính trị giá 4-5 tỷ đồng.

Anh Hồ Văn Thành đang chăm sóc cho cây mai vừa được mua từ tỉnh Quảng Nam về với giá trị 120 triệu đồng. Ảnh: TRỌNG HÙNG
Anh Hồ Văn Thành đang chăm sóc cho cây mai vừa được mua từ tỉnh Quảng Nam về với giá trị 120 triệu đồng. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Năm nào cũng vậy, gần đến Tết Nguyên đán, không khí tại vườn mai của anh Hồ Văn Thành (ở thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) luôn nhộn nhịp người ra vào. Khách đến thăm và quan tâm đến mai cảnh đều được chủ vườn nhiệt tình tư vấn và giới thiệu những chậu mai đẹp nhất để đặt hàng thuê chơi Tết. Dạo quanh một vòng vườn mai có diện tích gần 3.000m2 của anh Thành, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cả trăm gốc mai cổ thụ trên dưới 100 tuổi đang được nghệ nhân chăm sóc tỉ mỉ để chuẩn bị phục vụ Tết.

Theo anh Thành, vườn mai của anh được trồng từ nhiều giống mai khác nhau, nhưng chủ yếu là thanh mai có nguồn gốc từ Quảng Nam. Ở đây mai được “săn” từ nhiều thương lái hoặc qua bạn bè giới thiệu ở cả khu vực miền Trung. Giao dịch ban đầu thông qua hình ảnh chụp thực tế, gửi qua zalo, facebook… nếu gặp ngay cây chủ nhân đang tìm kiếm thì xa đến đâu anh cũng đến tận nơi để “rinh” về vườn. Anh Thành kể, cách đây nửa tháng, qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Cẩm (ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) anh quyết định dốc hầu bao gần 200 triệu đồng để đưa bằng được cây thanh mai từ tỉnh Quảng Nam có tuổi đời gần 100 năm ở phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn về vườn của mình.

Nói về cái duyên đến với nghề, anh Thành bộc bạch, mười mấy năm trước, sau khi lấy vợ và buôn bán đủ nghề, có được chút vốn cùng với niềm đam mê cây kiểng từ nhỏ nên hễ nghe ở đâu có cây mai đẹp là mua gốc rồi về tìm mối bán lại. Cây nào mua về mà chưa bán được,  anh để lại chăm sóc. Niềm đam mê mai cảnh cứ thế lớn dần... và anh mong ngày nào đó sẽ được sở hữu vườn mai cho riêng mình.

Để sở hữu được những gốc mai đẹp, ưng ý, ngoài việc tốn công tỉ mẩn chăm sóc khi cây còn nhỏ hoặc những cây cổ thụ mới được tậu về, anh Thành không ngần ngại chi ra khoản tiền lớn để thuê nghệ nhân chuyên chỉnh sửa kỹ thuật đến uốn nắn, cắt sửa, cân chỉnh, tạo dáng khung mai.

“Chăm mai bận rộn như chăm con nhỏ. Một năm có 365 ngày không thiếu ngày nào phải ở bên cây mai. Tôi vẫn nói đùa, ngày nào cũng phải ngó tới “nàng Mai”. Nào thì tưới nước, bón phân, trị sâu bệnh. Đặc biệt những tháng cuối năm luôn phải thuê thêm 2 nghệ nhân nữa mới kịp chăm sóc cho mai nở đúng ngày Tết. Tiền thuê nhân công cho 2 người là 700.000 đồng/người/ngày, nhưng mỗi khi xuân về thấy cây mai mình cho họ mượn, hoặc thuê… được chưng trong nhà nở vàng rực rỡ, mình thấy hãnh diện và vui mừng”, anh Thành cho hay.

Theo anh Thành, nghề trồng và chăm sóc mai nếu không có đam mê, am hiểu về từng giống mai không thể tìm ra những gốc cây lâu năm, cây đẹp ở những vùng sâu, vùng xa. Nhờ đam mê, mỗi người chơi cây, buôn cây mới có nhạy cảm riêng, thính giác riêng, thậm chí có nguồn tin riêng để biết ở đâu có cây đẹp, cây quý mà đến tận nơi trả giá để sở hữu nó. Đi “săn” mai cũng là một nghệ thuật, nhất là việc trả giá giữa người mua và người bán.

Chẳng hạn như, với số tiền từng đó, nhưng làm sao thuyết phục để gia chủ chỉ muốn bán cây quý cho mình mà họ vẫn vui vẻ, thoải mái… cũng là một vấn đề. Thường chỉ những người cùng đam mê thú chơi mai mới nhận ra nhau. Chủ cây thường thích bán cho người cũng mê chơi như mình hơn là bán cho dân buôn. Cũng chính nhờ đam mê mà anh Thành đã gặp nhiều người có tâm, tạo điều kiện cho anh được sở hữu được nhiều gốc mai quý như hiện nay.

Mặc dù gắn bó với thú chơi mai trong một thời gian dài, nhưng điều kỳ lạ là anh Thành chỉ có tậu thêm chứ nhất quyết không bán đi, bởi theo anh Thành: “Dù đã có nhiều gốc mai trị giá vài trăm triệu đồng nhưng hễ khi “săn” được cây mai như ý thì tôi vui lắm, cả ngày hầu hết thời gian đều ở ngoài vườn, có khi quên ăn cơm do bận chăm cây. Niềm vui khi có vườn mai đẹp được mọi người trầm trồ thấy rõ, nhưng nhiều khi anh cũng mất ăn mất ngủ vì mai bị bệnh bởi các loài sâu đục thân hoặc do thời tiết, khí hậu biến đổi khiến cây không trổ bông hay tạo dáng như ý…

Tính đến nay, sau gần 15 năm lăn lộn với đủ thứ nghề kiếm sống từ nuôi chim, làm bún, buôn bán gas... anh Hồ Văn Thành đã sở hữu một vườn mai với gần 150 gốc, trong đó có nhiều gốc mai độc đáo, khiến dân sành chơi mai khao khát có được mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Tuy vậy, hễ có người nào cùng sở thích quan tâm đến các giống mai anh sẵn sàng, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong nghề, không giấu giếm. “Trong thời gian tới, tôi cũng sẽ dành nhiều thời gian để sưu tập mai cảnh hơn nữa; đồng thời cũng mong muốn tham gia vào hội sinh vật cảnh để có điều kiện tham gia trưng bày và giao lưu học hỏi mọi người khắp mọi miền để mở mang tầm nhìn hơn nữa...”, anh Thành bày tỏ.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.