Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích văn hóa lịch sử

.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần trong nhân dân và giữ gìn giá trị văn hóa.

Đình Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đang chuẩn bị khởi công tôn tạo để công tác bảo tồn đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Tường Vy
Đình Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đang chuẩn bị khởi công tôn tạo để công tác bảo tồn đạt hiệu quả hơn. Ảnh: TƯỜNG VY

Việc bảo tồn đạt hiệu quả cao

Xã Hòa Liên có hai di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố là đình Vân Dương và đình Hưởng Phước. Ngoài ra, còn có các địa chỉ đỏ về nguồn như: rừng đồi Trung Sơn, nhà truyền thống xã, nghĩa trang liệt sĩ, bia chiến tích Bàu dài Bà Diên, miếu Thổ trại, đồn Lệ Mỹ… Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, xã đã tập trung trùng tu, chăm sóc nhằm phát huy hiệu quả các giá trị di tích giữ gìn nét đẹp truyền thống.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, hằng năm, huyện kiểm tra công tác bảo quản các hiện vật lưu giữ, trưng bày tại di tích. Đồng thời, cấp kinh phí bảo tồn di tích như: hương khói, dọn vệ sinh, tế lễ hội cúng thành hoàng Đình và tổ chức trò chơi dân gian... với định mức 35 triệu đồng/năm cho di tích cấp thành phố và 100 triệu đồng/năm di tích cấp quốc gia.

“Để việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa có hiệu quả, chúng tôi có ban hành văn bản hướng dẫn các xã có di tích thành lập các tổ quản lý. Tổ quản lý bảo vệ di tích giao cho người địa phương tại các xã. UBND huyện cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích để giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”, ông Đỗ Thanh Tân nêu rõ.

Ông Ngô Văn Lợi, cán bộ phụ trách văn hóa xã Hòa Liên cho biết, đình Hưởng Phước được UBND thành phố đầu tư tôn tạo vào năm 2013. Hiện nay, theo nhu cầu và đề xuất của địa phương sẽ xây dựng thêm nhà trù để hoạt động phần hội, trưng bày hiện vật. Huyện đang làm công tác chuẩn bị đầu tư và năm 2024 sẽ tiến hành. Còn đình Vân Dương mới xếp hạng năm 2021 nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng nên cần trùng tu toàn bộ. Vì vậy, UBND huyện cùng với xã đã đề nghị thành phố phục dựng đình Vân Dương và được các cấp phê duyệt, khảo sát, lên thiết kế hạng mục. Năm 2023, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ làm công tác chuẩn bị đầu tư và sang năm 2024 tiến hành khởi công bằng nguồn ngân sách thành phố. “Song song, xã phát hành tập sách “Hòa Liên Di tích lịch sử - văn hóa” trên địa bàn nói riêng và thành phố nói chung, trong đó có nội dung của đình làng và các địa chỉ đỏ nhằm quảng bá, lưu giữ ý nghĩa lịch sử văn hóa. Thời gian đến, xã dự định tiếp tục tổ chức các câu lạc bộ đàn hát dân ca đối đáp, bài chòi… cho người dân vào dịp lễ Tết”, ông Lợi nói.

Còn nghệ nhân Nguyễn Hữu Mai, hội viên Ban Quản lý đình làng Hưởng Phước cho hay, đình làng thường xuyên ra quân ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp, bà con cùng ban quản lý dọn dẹp, chăm sóc đình làng. Đó cũng là dịp gặp gỡ, hàn huyên dưới gốc đa, giếng nước, vơi bớt nỗi nhọc nhằn giữa bộn bề áp lực của cuộc sống.

Cần sự chung tay toàn xã hội

Ông Phan Văn Kế, Trưởng ban Quản lý đình Vân Dương bày tỏ, di tích lịch sử đình Vân Dương là tài sản tinh thần vô giá đối với người dân trong thôn. Nó kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo của cha ông và truyền dạy cho con cháu những điều hay lẽ phải. “Bản thân tôi và các bô lão trong làng mong muốn việc trùng tu đình sớm được khởi công. Ngoài phát triển bảo tồn các di tích, chúng tôi còn hy vọng lớn hơn đó là hướng đến khai thác sản phẩm du lịch văn hóa tại đình như tổ chức hát hò khoan, phục vụ nấu món ăn dân dã dịp lễ Tết. Tôi tin điều đó sẽ giúp ích rất nhiều về kiến thức cũng như sự trải nghiệm văn hóa cho người dân cũng như du khách”, ông Phan Văn Kế nói. Nhưng ông Kế chia sẻ rằng, chi phí để duy trì các hoạt động tổ chức là con số không thể giải quyết một sớm một chiều, mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Hòa Liên đã đạt được nhiều kết quả cao, góp phần giữ gìn các giá trị di tích lịch sử nói riêng và các giá trị văn hóa trên địa bàn nói chung. Bên cạnh đó, cũng tồn tại vấn đề cấp thiết, ông Ngô Văn Lợi nói, vẫn còn nhiều khó khăn về kinh phí vì thực tế ngân sách của xã không thể đáp ứng đủ cho các chương trình, lễ hội. Xã rất cần sự quan tâm của các cấp và vận động mạnh thường quân qua xã hội hóa để có thể tiếp tục đi đường dài.

Nhà nghiên cứu làng cổ Vân Dương, ông Lê Văn Tất chia sẻ, ngoài giá trị lịch sử, các đình làng còn là nơi bảo lưu, truyền trao những kiến thức văn hóa phi vật thể thông qua thực hành thờ cúng, tế lễ, tín ngưỡng. Thông qua đó, người dân địa phương cũng như con cháu tưởng nhớ tổ tiên, hình thành văn hóa sống và ứng xử lẽ phải.

“Tôi nghĩ các trường học cần tổ chức những tiết học thực tế gắn với di tích lịch sử của địa phương. Từ đó, các em sẽ phần nào trân trọng giá trị truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả. Điều này là cần thiết và là hướng đi phù hợp với thực tiễn, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách thiết thực, đa dạng thông qua các bài học “lịch sử sống”. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu rõ về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên”, ông Tất mong muốn.

HUỲNH TƯỜNG VY 

;
;
.
.
.
.
.