Sẽ chấn chỉnh 'tư nhân hóa báo chí', 'báo hóa' tạp chí

.

Giải quyết các vấn đề về "tư nhân hóa báo chí", "báo hóa" tạp chí, trang tin, mạng xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra đối với công tác quản lý báo chí trong năm 2023.

Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động báo chí

Thể hiện gây hiểu nhầm là báo, chủ yếu diễn ra trên môi trường điện tử. Ảnh: TTXVN
Thể hiện gây hiểu nhầm là báo, chủ yếu diễn ra trên môi trường điện tử. Ảnh: TTXVN

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 75/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa báo chí", Kế hoạch số 4000/KH-BTTTT ngày 31-7-2022 triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14-6-2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí.

Cụ thể, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục triển khai xử lý dứt điểm tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp; rà soát biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí, nhận nguồn tài trợ nước ngoài để tác động vào báo chí truyền thông... Cơ quan chủ quản báo chí chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, đặc biệt là văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật...

Cơ quan báo chí quán triệt, tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo. Các cơ quan báo chí cũng cần đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội. Người đứng đầu cơ quan báo chí nâng cao vai trò, trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc thực hiện quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích; có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên hoạt động tác nghiệp đúng quy định; kiểm soát khoa học, chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên, bảo đảm hoạt động đúng quyền hạn, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí...

Đẩy mạnh phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến "báo hóa"

Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông ngay sau khi ban hành, kế hoạch xử lý tình trạng "báo hoá" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí và thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, ngày 14-6-2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương đã được triển khai khẩn trương, kịp thời, đồng bộ. Tuy nhiên, những biểu hiện hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, có dấu hiệu "báo hóa" tạp chí mặc dù đã giảm so với những năm trước, song vẫn còn xảy ra ở không ít cơ quan tạp chí, nhất là các tạp chí điện tử. Các tạp chí này có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo. Một số cơ quan báo chí trong quá trình liên kết đã giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm, buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích...

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu "báo hóa" tạp chí, biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí. Bộ đã chủ trì, lập tổ công tác, đoàn thanh, kiểm tra với sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của 17 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật. Kết thúc Giai đoạn 1, từ tháng 3-2022 đến ngày 20-11-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 17 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 889 triệu đồng; trong đó có 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng; xử phạt 2 cá nhân người đứng đầu cơ quan tạp chí.

Bộ cũng rà soát, đánh giá, lập danh sách 91 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu "báo hóa" để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, 57 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu "báo hóa" nêu trên đến làm việc; chỉ rõ các biểu hiện, hành vi "báo hóa" của nhóm đối tượng này để yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, cam kết khắc phục và không tái phạm. Các doanh nghiệp cam kết sẽ nhanh chóng, chủ động khắc phục các sai phạm, tuân thủ các quy định pháp luật.

Ngoài ra, Bộ đã tổ chức 2 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu "báo hóa" nghiêm trọng để xử lý nghiêm, mang tính cảnh báo, răn đe. Các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến "báo hóa".

Thực hiện đủ trách nhiệm chủ quản đối với cơ quan báo chí

Năm 2022, các cơ quan chỉ đạo, quản lý tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, phát hiện, quyết liệt xử lý các thông tin sai sự thật; triển khai các biện pháp kỹ thuật, tích cực đàm phán, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, phản động, sai sự thật, quảng cáo vi phạm pháp luật.

Lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trách nhiệm chủ quản đối với cơ quan báo chí. Kết quả kiểm tra 7 cơ quan chủ quản báo chí cho thấy nhiều bất cập cần chấn chỉnh như: chưa bảo đảm điều kiện hoạt động ban đầu cho cơ quan báo chí theo đề án xin phép hoạt động báo chí; dấu hiệu buông lỏng quản lý ở một số cơ quan chủ quản, để cơ quan báo chí vi phạm trong thời gian dài. Cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí không có tổ chức Đảng, hoặc có tổ chức Đảng nhưng lại không trong cùng một hệ thống (tổ chức Đảng của cơ quan chủ quản và tổ chức Đảng của cơ quan báo chí trực thuộc các đảng ủy, đảng bộ khác nhau), hạn chế trong việc thống nhất chỉ đạo, định hướng về thông tin, tổ chức bộ máy, nhất là công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Lực lượng thanh tra Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 61 cuộc thanh, kiểm tra đối với cơ quan báo chí, 52 cuộc thanh, kiểm tra đối với lĩnh vực thông tin trên mạng. Về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, năm 2022, cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí - đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí có thời hạn qua hoạt động thanh tra. Các biện pháp xử lý cũng được tiến hành đồng bộ, bên cạnh xử lý vi phạm hành chính bằng tiền, có kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu, 1 Tổng biên tập đã bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo và điều chuyển làm công việc khác. Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 30 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thông tin trên mạng, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 lượt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 1,012 tỷ đồng, thu hồi 120 triệu đồng tiền thu lợi bất chính. Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 102 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng.

Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý, kiến nghị xử lý 9 vụ việc liên quan đến 11 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm pháp luật; đình chỉ sinh hoạt 4 trường hợp chờ kết luận của cơ quan chức năng, các trường hợp khác là cộng tác viên, phóng viên chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Thường trực Hội đồng xử lý đạo đức nghề nghiệp nhắc nhở một số trường hợp nhà báo có những phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội, như: hội viên ở Tạp chí Dân tộc và Phát triển, Tạp chí Bất động sản Việt Nam thực hiện gỡ bỏ thông tin khỏi trang cá nhân, nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và cam kết không tái phạm.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.