Huyện Hòa Vang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, hệ thống di tích lịch sử và ẩm thực truyền thống đặc sắc. Trong bối cảnh hiện nay, việc khai thác những tài nguyên này để giáo dục truyền thống, phát triển du lịch là hướng đi phù hợp, vừa giúp phát huy giá trị của di tích, vừa góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phục dựng tài sản vốn quý của địa phương.
Lễ hội đình làng Túy Loan (huyện Hòa Vang) là một trong những lễ hội được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động lễ và hội, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham dự mỗi năm. Ảnh: X.D |
Gắn phát huy di tích với giáo dục truyền thống
Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, trên địa bàn huyện hiện có 33 di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng. Trong đó có 6 di tích cấp quốc gia (3 di tích kiến trúc nghệ thuật, 3 di tích lịch sử) và 27 di tích cấp thành phố (5 di tích kiến trúc nghệ thuật, 7 di tích lịch sử, 15 di tích văn hóa lịch sử).
Ngoài ra, có 4 di tích đã trình hồ sơ thẩm định xếp hạng là di tích cấp thành phố. Những năm qua, huyện luôn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích thông qua việc đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn nét đặc trưng, truyền thống của địa phương. Từ năm 2016-2021, có 15 di tích trên địa bàn được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng.
Về cơ bản, các di tích được trùng tu, tôn tạo đáp ứng yêu cầu chất lượng công trình, tuân thủ nguyên tắc bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng yếu tố gốc. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động gắn với không gian di tích luôn được quan tâm, duy trì thực hiện định kỳ hằng năm.
Qua đó góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị, gìn giữ nét đẹp của di tích văn hóa lịch sử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân.
Hầu hết di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân toàn thành phố nói chung, Hòa Vang nói riêng. Mỗi di tích mang trong mình nhiều giá trị khác nhau.
Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo) Ngô Ngọc Hoàng Vương cho biết, sở đang triển khai bộ tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho các khối lớp 1, 2, 3, 6 và 7 với chủ đề liên quan các điểm di tích trên địa bàn huyện Hòa Vang, giúp các em học hỏi và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống quý báu của quê hương. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, về nguồn, đến với các địa chỉ đỏ tại các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng trên địa bàn huyện.
Thời gian đến, sở và UBND huyện Hòa Vang sẽ xây dựng chương trình phối hợp tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các điểm di tích cho học sinh, sinh viên. Trong đó, chú trọng giới thiệu một số di tích như: Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, địa điểm chiến thắng Gò Hà… và một số địa chỉ di tích có khả năng phát triển, kết nối với việc khai thác phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố.
Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch
Dù giàu tài nguyên, song công tác phát huy giá trị di tích tại huyện Hòa Vang được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng. Một số di tích sau khi trùng tu chưa trở thành những điểm sinh hoạt văn hóa gắn với cộng đồng hay điểm du lịch được đông đảo du khách biết đến.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử cho rằng, hệ thống di tích của huyện Hòa Vang đa dạng nhưng quy mô vẫn nhỏ so với các địa phương khác, chưa thu hút sự quan tâm của du khách. Các hình thức quảng bá chưa phong phú, sáng tạo nên hiệu quả chưa cao.
Ngoài một số lễ hội được tổ chức quy củ như lễ hội đình làng Túy Loan, Bồ Bản…, các lễ hội dân gian khác còn đơn điệu, chưa phát triển về quy mô, thiếu hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài ra, có hiện tượng giống nhau giữa các lễ hội, nhất là lễ hội đình làng nên ít nhiều làm mất tính đa dạng, phong phú của lễ hội. “Huyện Hòa Vang cần chú trọng đặc trưng của loại hình văn hóa du lịch.
Tiếp tục thực hiện mô hình di sản kết nối với hành trình du lịch; xây dựng mục tiêu phát triển du lịch di sản văn hóa cho cộng đồng có di tích. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ bảo quản, tôn tạo các di tích lịch sử cũng như đội ngũ hướng dẫn viên tại các di tích để phục vụ du khách”, ông Xử nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương, tháng 10-2022, UBND thành phố ban hành đề án định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái là sản phẩm du lịch đặc trưng và du lịch cộng đồng, nông nghiệp và nông thôn là sản phẩm du lịch chính nhằm tạo sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh cho du lịch Đà Nẵng.
Những định hướng này rất phù hợp với đặc thù tài nguyên của huyện Hòa Vang. Mặt khác, việc khai thác các di tích văn hóa lịch sử gắn với du lịch sẽ giúp phát huy tối đa các giá trị của di tích, đồng thời tác động qua lại, làm cho chính quyền và người dân địa phương nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phục dụng những giá trị vốn quý của các di tích tại địa phương.
Cũng theo ông Vương, để khai thác giá trị di tích trên địa bàn huyện Hòa Vang trở thành điểm đến hút khách du lịch, địa phương cần phối hợp Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố khảo sát, đề xuất một số di tích tiềm năng để ưu tiên nguồn lực đầu tư tôn tạo, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về cảnh quan, môi trường, hạ tầng, dịch vụ, lễ hội để phục vụ du khách.
Cùng với đó, kết nối các di tích với các loại hình du lịch khác để tạo thành những cụm/điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp gắn với văn hóa, lịch sử, những chương trình tour hấp dẫn. Ngoài ra, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia khai thác giá trị di tích gắn với du lịch và đầu tư kết nối, hình thành các cụm/điểm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp.
“Sở Du lịch luôn đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ tư vấn chuyên môn, cũng như phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước để sớm đưa du lịch Hòa Vang phát triển, góp phần làm nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng”, ông Vương khẳng định.
X.DŨNG - V.THẮNG