Mỗi độ vào hội đình làng (thường dịp tháng Giêng hằng năm) ở các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đều tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian. Các trò chơi được tái hiện, khơi gợi ký ức tuổi thơ của nhiều người như cờ tướng, ô ăn quan, nhảy lò cò, bịt mắt đập om, leo chuối hái quả… Thế nhưng có lẽ trò chơi cờ gánh gây sự tò mò, chú ý của nhiều người bởi những nét rất riêng.
Phụ nữ làng Bồ Bản, xã Hòa Phong thi cờ gánh tại dịp lễ hội Đình làng Bồ Bản năm 2023. Ảnh: C.CHIẾN |
Ông Hồng Viết Khóa, 75 tuổi người dân làng Bồ Bản, xã Hòa Phong bồi hồi nhớ lại: “Hằng năm, cứ vào độ mùa mưa, khi con cá gáy dưới sông rạch con nước tìm lên chân ruộng cao đẻ trứng; khi con ểnh ương gọi bạn ở những bờ ao cũng là lúc ông ngoại tôi đón những vị khách trong làng đến nhà để uống nước trà, đàm đạo thế sự và chơi cờ gánh.
Vậy là, tôi được phân công ra sau vườn cắt bẹ chuối đem vào nhà cho ông ngoại cắt thành những ô vuông nhỏ, xuống nhà bếp khều cục than lên nhà trên để ngoại vẽ ô bàn cờ trên nền gạch hiên nhà. Còn bà ngoại tôi thì không nói gì, lẳng lặng ngâm gạo, xay bột, đúc bánh xèo đãi khách”.
Cũng theo ông Khóa, nhờ giúp việc ông ngoại cùng bạn chơi cờ nên ông có cơ hội học lóm được nhiều thế cờ. Cờ gánh hay còn gọi là cờ chém, là một trò chơi chiến thuật, dành cho hai người chơi. Bàn cờ gánh có hình vuông, chia làm 16 ô và được kẻ các đường ngang, dọc, chéo. Bàn cờ có 25 giao điểm và cũng là điểm đặt quân. Mỗi người chơi được chia 8 quân cờ có màu sắc khác đối phương.
Lần lượt mỗi bên người chơi di chuyển quân bất kỳ của mình đến một giao điểm trống lân cận trên lưới ô vuông theo chiều ngang, chiều dọc, hoặc chéo tùy ý, miễn sao chưa có quân nào tại ô đó và theo đúng đường lưới ô. Nhiệm vụ của người chơi là làm như thế nào đó, khi đưa quân cờ của mình đi vào giữa hai quân cờ của đối phương, tạo thành một đường thẳng thì hai quân cờ đối phương bị thua, buộc phải đổi màu. Lúc đó, người chơi hô to: “Gánh” thì coi như đã thắng một nước đi.
Ông Khóa nói, so với cờ tướng thì nước đi của cờ gánh đơn giản hơn nhiều nhưng không vì thế mà kém phần gay cấn. Để “gánh” được cờ đối thủ, người chơi phải vận dụng sự thông minh, sắc sảo trong từng nước đi. Tạo thế vây, ép, chờ đối phương sơ hở là “gánh”. Đặc biệt, cũng như cờ tướng, ngoài luật chơi quy định ra, còn một nguyên tắc mang tính thượng võ đối với người chơi là “hạ thủ bất hoàn”.
Quả thật như vậy, tại lễ hội đình làng Bồ Bản vào sáng ngày 14-2 Âm lịch vừa qua, người xem chứng kiến cặp kỳ thủ nữ của hai tổ trong khu dân cư bất phân thắng bại trong trận đấu cờ gánh. Ông Lê Văn Tam, trọng tài của trận đấu cho biết: Hai kỳ thủ này đã quầng nhau hơn 2 tiếng đồng hồ rồi mà chưa ngả ngũ, đúng là kỳ phùng địch thủ.
Ông Nguyễn Kiên, người cùng làng với ông Khóa cho biết năm nay hơn 70 tuổi, biết chơi cờ gánh từ hồi học trường làng. Nguyên lý của cờ gánh là động - đi, mở - gánh. Nghĩa là khi sờ vào con cờ là phải đi, khi mở là phải gánh. Chỉ có mười mấy ô vuông bẹ chuối, cái úp cái ngửa mà chơi cả ngày không biết chán, nhiều hôm tan học, mãi chơi đến khi trờ nhá nhem tối mới lụi bụi bỏ trận cờ dở dang về nhà để tránh bị no đòn.
Tiếc là thời buổi bây giờ, nhiều trò chơi mang tính hiện đại ra đời, thu hút con trẻ nên những trò chơi đậm chất dân gian, mang tính sáng tạo, tinh thần đoàn kết một thời đã bị mai một. Riêng môn cờ gánh cũng vậy, chỉ những ai gần 60 tuổi trở lên mới biết chơi, còn những thanh, thiếu niên thì ngẩn tò te, thậm chí không biết tên của môn cờ này là gì. Thật mừng là trong lễ hội đình làng Bồ Bản năm nay, ban tổ chức tiếp tục duy trì môn cờ gánh thành một trong những môn thi tài.
“Thấy bà con trong thôn hồ hởi tham gia các trò chơi dân gian, trong đó có môn cờ gánh, tự dưng trong tôi dâng trào ký ức tuổi thơ đầy gian khó nhưng ăm ắp kỷ niệm nơi miền quê yêu dấu”, ông Kiên tâm sự.
Ông Hồng Viết Khóa nhìn nhận, cờ gánh chính là môn thể thao trí óc dân dã của người dân thôn quê sau mỗi vụ mùa, những lúc nông nhàn, đặc biệt là mỗi khi vào mùa mưa, phóng tầm mắt nhìn ra các xứ đồng mênh mông những nước toàn nước. Đây là thú chơi đậm chất quê kiểng nhưng không kém phần hấp dẫn bởi yếu tố bất ngờ. Thoạt nhìn vào bàn cờ thì thấy rối rắm nhưng chịu khó xem vài ván cờ thì chơi được ngay.
Vật liệu chơi cờ là những thứ có sẵn trong vườn nhà như cục than, bẹ chuối, sau này là tiến đến dùng vỏ hến, viên phấn, thậm chí cả nắp chai nên thế hệ chúng tôi thời ấy ai nấy cũng đều biết chơi cờ gánh. Ông Khóa cho biết thêm: “Nghe ngoại tôi kể, cờ gánh ra đời trên cơ sở của sự mày mò, sáng tạo của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng, là thú tiêu khiển lành mạnh, thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Ấy chính là bản sắc để làm nên hồn quê sau lũy tre làng”.
CÔNG CHIẾN