Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 được tổ chức từ ngày 20 đến 29-4 (từ mồng 1 đến 10-3 năm Quý Mão) tại tỉnh Phú Thọ với đầy đủ phần lễ và hội. Đặc biệt, các hoạt động phần hội năm nay có nhiều điểm mới, gắn kết chặt chẽ với du lịch và thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ.
Đoàn hành lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng (10-3 âm lịch năm 2022). Ảnh: Báo Phú Thọ |
Đa dạng hoạt động văn hóa, thể thao
Từ bao đời nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước, văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Dù ở đâu hay làm gì, cứ đến ngày mồng 10-3 âm lịch, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ diễn ra trên không gian rộng, từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì và các huyện, thị trong tỉnh. Trong đó, phần lễ được tỉnh tổ chức bảo đảm trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng, tập trung vào các hoạt động chính: lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ; lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành, thị trong tỉnh.
Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, có 20 hoạt động phần hội hấp dẫn, tạo thành chuỗi hoạt động văn hóa - du lịch. Trong đó, nổi bật là chương trình khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023” và “Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh” vào 20 giờ ngày 21-4 tại Quảng trường Hùng Vương. Trong đó, tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là hoạt động đáng chú ý, được UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tuần lễ kéo dài đến 24-4, giới thiệu 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam với sự tham gia của các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể ở một số tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể. Riêng tỉnh Phú Thọ đã có 2 di sản là hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ngoài ra, Phú Thọ còn là đồng chủ thể là ca trù và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao gắn kết chặt chẽ với du lịch như: hội thảo quốc tế “Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững Việt Nam”; tổ chức đoàn famtrip “Hành trình du lịch sắc màu trung du”; hội chợ du lịch Tây Bắc năm 2023 và liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ; hội chợ triển lãm thương mại công thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ; giải bơi chải và trình diễn ván chèo đứng trên hồ Công viên Văn Lang; giải bóng đá cúp Hùng Vương; giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương; hội trại văn hóa và liên hoan văn nghệ quần chúng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương; trình diễn trang phục áo dài và xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam “Non sông gấm vóc”…
Bảo đảm lễ hội an toàn, văn minh
Năm nay, lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ năm 2023 diễn ra trùng với dịp nghỉ lễ dài 30-4 và 1-5, lượng khách về Phú Thọ dự kiến sẽ tăng cao. Theo Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang, từ khoảng 1 tuần trước khi diễn ra lễ hội, mỗi ngày, khu di tích đón trên 10.000 du khách hành hương về Đền Hùng. Dự kiến, trong những ngày lễ chính, đồng bào, du khách trong mọi miền Tổ quốc hành hương về Đền Hùng tri ân công đức Tổ tiên còn tăng mạnh. “Nhằm mang lại hình ảnh lễ hội văn minh, Khu di tích cam kết không nâng giá xe điện, các khu vực cho thuê chiếu đã được quản lý với dịch vụ 30.000 đồng/giờ. Với lượng khách đông khi về Đền Hùng, chúng tôi cũng cảnh báo du khách các dịch vụ đã được niêm yết giá, mời các hộ kinh doanh ký cam kết làm sao không ảnh hưởng đến hình ảnh của lễ hội Đền Hùng”, ông Giang cho biết.
Bên cạnh đó, để bảo đảm trật tự kinh doanh, góp phần bình ổn thị trường trong dịp lễ hội, tỉnh Phú Thọ yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý, bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, kiểm tra, xử lý việc buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; niêm yết giá và các hành vi gian lận thương mại khác. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ gian hàng thực hiện nghiêm các quy định pháp luật. Chủ động phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn các hành vi, trò chơi, cá cược ăn tiền mang tính chất cờ bạc, mê tín dị đoan, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trong dịp lễ hội.
Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động xây dựng phương án bảo đảm an ninh và phân luồng giao thông nhằm tránh ùn tắc; chỉnh trang đô thị, rà soát các dịch vụ, hệ thống cơ sở lưu trú để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy, khách tham gia lễ hội thường đi về trong ngày, nhu cầu lưu trú qua đêm không nhiều. Tuy nhiên, địa phương vẫn có hệ thống cơ sở lưu trú đáp ứng nhu cầu của khách ở qua đêm để khám phá thêm các điểm đến của Phú Thọ. Dù năm nay không phải năm chẵn nhưng sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, địa phương chủ động làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tham mưu, xây dựng kế hoạch để tổ chức các hoạt động bảo đảm mang đậm giá trị văn hóa truyền thống nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống yêu nước, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
THIÊN DUYÊN