Nỗ lực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

.

Nhằm hình thành thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian qua, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng liên tục triển khai mô hình xe thư viện lưu động đến các trường học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, đơn vị bổ sung tài liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu bạn đọc.

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) quây quần đọc sách do xe thư viện lưu động mang đến. Ảnh: X.D
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) quây quần đọc sách do xe thư viện lưu động mang đến. Ảnh: X.D

Những chuyến xe chở tri thức

Từ năm 2019 đến nay, mô hình xe thư viện lưu động do Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng triển khai vẫn luôn chở tài liệu, sách, báo bổ ích phục vụ miễn phí học sinh và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Mỗi chuyến xe thư viện lưu động được trang bị khoảng 3.000 đầu sách, máy tính cùng với phần mềm, máy chiếu, tivi, tài liệu điện tử, máy tính bảng… di chuyển khắp thành phố.

Trong đó, chú trọng đến với những nơi có điều kiện khó khăn trong việc tiếp cận văn hóa đọc. Thông qua xe này, thư viện cũng luân chuyển kho sách đến các điểm thư viện trường, thư viện công cộng. Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng Vũ Thị Ân cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, xe thư viện lưu động đã luân chuyển báo Xuân đến 6 thư viện quận, huyện và phục vụ được 8 điểm trường. Dự kiến đến hết tháng 4-2023 nâng lên 15 điểm, bao gồm các trường tiểu học, THCS, các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và hội sách ở quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, trong tháng 2 vừa qua, xe lưu động đến phục vụ tại Trường Tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Dịp này, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng tổ chức chiếu phim, phục vụ sách, chơi các minigame đố vui cho gần 100 em, đa phần là người dân tộc thiểu số.

Cô Trần Thị Mỹ Dung, phụ trách công tác thư viện Trường Tiểu học Hòa Bắc cho biết, vì đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, chủ yếu là học sinh người đồng bào Cơtu nên điều kiện tiếp cận với sách, báo của các em còn nhiều hạn chế. Vì vậy, khi xe thư viện lưu động đến điểm trường, các em rất phấn khởi, thích thú vì được tiếp xúc với đa dạng các thể loại sách, tham gia trò chơi và xem phim.

“Xe thư viện lưu động không chỉ mang tri thức, mà còn chở tới những niềm vui và sự gắn kết mọi người vì có nhiều hoạt động, trò chơi tập thể. Qua đó, tạo sự đoàn kết, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng”, cô Dung bày tỏ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Đối với lĩnh vực thư viện, chuyển đổi số góp phần quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc và kỹ năng đọc; hướng đến nền giáo dục thông minh và thế hệ công dân số. Đến nay, mạng lưới thư viện cơ sở trên địa bàn thành phố đang dần thu hút được bạn đọc đến với thư viện sau khi đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị công nghệ thông tin cũng như nguồn tư liệu, sách báo.

Các thư viện quận, huyện đều được trang bị từ 2-3 máy tính, 1 máy in, 1 máy barcode, đường truyền internet đủ điều kiện để kết nối dùng chung phần mềm liên thông, vừa xử lý nghiệp vụ, vừa phục vụ bạn đọc tra cứu thông tin. Anh Mai Văn Hy (trú quận Sơn Trà) cho hay, do có ý định học thạc sĩ sau khi tốt nghiệp nên anh có nhu cầu tìm hiểu nhiều tài liệu học thuật.

Vì vậy, anh rất quan tâm đến thư viện số và thường xuyên mượn tài liệu trên trang điện tử của Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng. “Thư viện số rất thuận tiện cho việc học hành, giúp tôi bớt thời gian đi lại, tìm kiếm tài liệu. Theo tôi, phát triển thư viện số không chỉ là xu thế mà còn sự chuyển dịch phù hợp để đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng, lứa tuổi bạn đọc hiện nay”, anh Hy chia sẻ.

Để không “lỡ chuyến tàu” chuyển đổi số, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Trưởng phòng Tin học, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng Phạm Xuân Thu cho biết, từ năm 2017, thư viện được trang bị các thiết bị công nghệ thông tin, từ máy chủ, máy trạm, máy scan đến phần mềm quản lý thư viện điện tử, hợp đồng thuê sách điện tử… nhằm phát triển thư viện số và liên thông thư viện.

Đến nay, thư viện đã số hóa 1.503 tên tài liệu, tương ứng với 454.841 trang tài liệu đã scan; liên kết 796.317 tài liệu số với đủ thể loại, phù hợp với đối tượng chính là học sinh, sinh viên các chuyên ngành. Theo thống kê, lượng người tiếp cận tài liệu điện tử tài liệu số trung bình 100 lượt đọc/tháng. “Để hỗ trợ độc giả một cách nhanh nhất, đơn vị đang ứng dụng chatbot để trao đổi trực tuyến giữa bạn đọc và thư viện. Đồng thời duy trì các hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội để kết nối, giới thiệu đến bạn đọc những thông tin, hoạt động hay liên quan đến sách”, ông Thu cho biết.

Theo Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng Lê Thị Bích Phượng, thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, thư viện đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện các khâu hoạt động của thư viện như số hóa tài liệu địa chí, ứng dụng tất cả các module trong phần mềm thư viện như: cấp thẻ bạn đọc và gia hạn sách online, trả lời bạn đọc trực tiếp, nâng cấp website thư viện, áp dụng các trang mạng xã hội như fanpage, youtube…

Song song đó, thư viện tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, hợp đồng, thuê, mua các cơ sở dữ liệu sách số, chú trọng tài nguyên giáo dục mở. Đồng thời ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; khuyến khích các thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia số hóa tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.