Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới , diện mạo văn học, nghệ thuật (VHNT) thành phố có những bước thay đổi khá đồng bộ, chuyển biến tích cực. Bước sang giai đoạn mới với nhiều thời cơ và thách thức, VHNT phải sẵn sàng mọi điều kiện để phát triển lên tầm cao hơn, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thành phố luôn quan tâm, tạo kiều kiện, môi trường sáng tác và kịp thời khen thưởng những tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (bên phải) trao giải A cho các tác giả có tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc giai đoạn 2015-2020. Ảnh: X.D |
Nhiều thành tựu nổi bật
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW do Thành ủy tổ chức ngày 12-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, hoạt động VHNT thành phố đạt được nhiều thành tựu, cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Việc nhận thức về vai trò, vị trí của VHNT trong hệ thống chính quyền các cấp được nâng cao.
Hoạt động sáng tạo VHNT bám sát thực tiễn, đúng định hướng, tư tưởng, đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng; VHNT chuyển biến tích cực theo hướng mới, bám sát các chủ đề thực tiễn được nhân dân và xã hội quan tâm. Bên cạnh việc phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại với cách thức diễn đạt, thể hiện mới, độc đáo được quan tâm, đầu tư. Cùng với đó, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng được cải thiện, có nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Nhiều văn nghệ sĩ của thành phố được phong tặng các danh hiệu, giải thưởng lớn của Nhà nước.
“Các không gian sáng tạo VHNT trên địa bàn cũng từng bước được hình thành, phát triển với nhiều loại hình độc đáo, thu hút sự quan tâm trải nghiệm của công chúng. Qua đó, tạo môi trường, điều kiện kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, làm cho đời sống VHNT thành phố khởi sắc, rộn ràng với nhiều hoạt động thường xuyên, định kỳ”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam nhấn mạnh.
Việc tăng cường kêu gọi các sự kiện mang tầm cỡ khu vực, quốc gia và quốc tế đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng sẽ góp phần phát triển văn học, nghệ thuật thành phố lên một tầm cao mới. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến (thứ 5, bên phải sang) tặng hoa cho các tác giả có tác phẩm tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực V lần thứ 27 năm 2022. Ảnh: X.D |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động VHNT thành phố vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực VHNT và văn nghệ sĩ; chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của VHNT trong đời sống. Công tác chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng, chưa đáp ứng được chỉ tiêu, định hướng về phát triển VHNT.
Chế độ chính sách về tiền lương, nhuận bút, bồi dưỡng luyện tập, ưu đãi cho văn nghệ sĩ còn thấp, chưa đáp ứng được mức độ phát triển của đời sống. Bên cạnh đó, thành phố đang thiếu những quy định về định mức chi cho các hoạt động VHNT cũng như đặt hàng tác phẩm. Công tác bồi dưỡng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt là lực lượng sáng tác trẻ vẫn còn nhiều bất cập, chưa có sự đổi mới trong công tác đào tạo để thu hút văn nghệ sĩ, sinh viên học tập và làm việc trên lĩnh vực VHNT.
Phát triển văn học, nghệ thuật lên tầm cao mới
Theo nhà văn Trần Trung Sáng, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn thành phố, đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. VHNT đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt. Trong xu thế chung, VHNT thành phố phải hướng đến chức năng cơ bản của hệ giá trị là định hướng, đánh giá, điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Đặc biệt, cần những tác giả tài năng, có nền tảng văn hóa, lịch sử dân tộc và trái tim cùng nhịp đập với nhân dân để có thể đi đường dài và những tác phẩm lớn mang hơi thở thời đại. “Đối với lĩnh vực văn học, người cầm bút sáng tạo cần phản ánh đúng hơn nữa những thành tựu công cuộc xây dựng đổi mới đất nước nói chung, thành phố nói riêng; xứng với tiềm năng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ ở địa phương. Qua đó, góp phần xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, thể hiện tính kế thừa xây dựng lịch sử văn học, không chỉ của Đà Nẵng mà của cả nền văn học Việt Nam”, nhà văn Trần Trung Sáng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (bìa phải) tham quan triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: X.D |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An cho rằng, cần có sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội để phát triển VHNT lên một tầm cao mới. Trong đó, tiếp tục củng cố nguồn nhân lực và rà soát, xây dựng, triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách trên lĩnh vực VHNT. Bên cạnh đó, tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển VHNT kể cả chi thường xuyên, chi chính sách, đề án và đầu tư xây dựng cơ bản.
Trước mắt, tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng các không gian VHNT công cộng, công trình văn hóa trọng điểm, xây dựng các chương trình, show diễn đặc sắc. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát huy sáng tạo trong các hoạt động VHNT. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu, công bố tác phẩm VHNT có giá trị. Đồng thời, xây dựng thương hiệu văn hóa thành phố thông qua việc duy trì, mở rộng quy mô và phát huy giá trị thương hiệu “Điểm đến sự kiện - lễ hội” và giá trị văn hóa truyền thống.
Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, thời gian đến, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW. Trong đó, coi VHNT là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, có vai trò to lớn và là một trong những động lực trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội cũng như sự phát triển toàn diện của con người Đà Nẵng. Cùng với đó, đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển VHNT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, ngành, địa phương. Xây dựng, ban hành các chính sách cụ thể về hoạt động VHNT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đồng thời chú trọng việc đầu tư kinh phí cho lĩnh vực VHNT; quan tâm chăm lo để văn nghệ sĩ sống bằng nghề, yên tâm gắn bó và cống hiến cho VHNT. Ngoài ra, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ các tác phẩm VHNT có tính thẩm mỹ, giáo dục cao; khơi dậy niềm đam mê sáng tạo VHNT trong thế hệ trẻ; đầu tư, mở rộng các không gian có thể sử dụng làm không gian văn hóa sáng tạo VHNT để thu hút, tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân và du khách.
XUÂN DŨNG