Du ngoạn về quá khứ với những cổ vật của người Đà Nẵng

.

Nằm trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) năm 2023, từ ngày 17-6 đến 17-7, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm chuyên đề “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3”. Đến với triển lãm này, công chúng được du ngoạn về quá khứ, thưởng thức vẻ đẹp của những cổ vật có niên đại hàng trăm năm của các nhà sưu tập Đà Nẵng.

Bộ bàn ghế gỗ thuộc bộ sưu tập đồ gỗ thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được trưng bày tại triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3”. Ảnh: X.D
Bộ bàn ghế gỗ thuộc bộ sưu tập đồ gỗ thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được trưng bày tại triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3”. Ảnh: X.D

Những năm gần đây, công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tàng ngày càng thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Từ phong trào hiến tặng hiện vật, các triển lãm, bảo tàng tư nhân lần lượt ra đời là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đang được gìn giữ tại thành phố. Tiếp nối thành công của hai cuộc triển lãm cổ vật tổ chức năm 2012 và 2017, năm nay, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm chuyên đề “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3”, giới thiệu đến công chúng hơn 50 cổ vật tiêu biểu, chọn lọc của các nhà sưu tập Đà Nẵng.

Theo Bảo tàng Đà Nẵng, các cổ vật trưng bày trong triển lãm lần này thuộc nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, có niên đại từ thế kỷ 16 đến thời nhà Nguyễn. Đằng sau mỗi cổ vật là một câu chuyện và là bằng chứng sinh động cho dòng chảy lịch sử - văn hóa của dân tộc. Thông qua các cổ vật, công chúng có dịp du ngoạn về quá khứ, tìm hiểu những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của cha ông ta từ hàng trăm năm trước. Ngoài ra, triển lãm này cũng góp phần làm đa dạng thêm các hoạt động văn hóa phục vụ du khách đến Đà Nẵng trong dịp DIFF 2023.

Tại triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3”, các cổ vật được trưng bày theo 5 khu vực gắn với từng chủ đề, gồm: đồ gỗ thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn; gốm Chu Đậu niên đại từ thế kỷ 16-17 của nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên; gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 18-19 của nhà sưu tập Phạm Phú Khánh, các loại đèn dầu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của nhà sưu tập Lê Phước Quang; tiền cổ của nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hòa.

Trưởng phòng Sưu tầm - Trưng bày và Bảo quản, Bảo tàng Đà Nẵng Trần Văn Chuẩn cho biết, đơn vị đã kiểm định, đánh giá kỹ giá trị của những cổ vật trưng bày lần này. Tất cả đều là hiện vật gốc, được bảo tồn nguyên vẹn qua hàng trăm năm. Trong đó, có những cổ vật rất hiếm, chứa đựng giá trị cao về cả vật chất lẫn tinh thần như: tủ gỗ đựng sách và vật dụng phục vụ triều đình nhà Nguyễn được chạm khắc xà cừ tinh xảo, bình gốm cổ truyền Chu Đậu với hoa văn đặc trưng thời Hậu Lê… “Sự tồn tại của các cổ vật này đến ngày nay là thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, đồng thời là lời kêu gọi, nhắc nhở chúng ta tiếp bước trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, ông Chuẩn bày tỏ.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có nhiều nhà sưu tập tư nhân sở hữu nhiều cổ vật quý. Đây chính là “cánh tay nối dài”, đồng hành với ngành văn hóa gìn giữ di sản quý báu mà cha ông để lại. Theo nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn, cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng hiện có rất nhiều nhà sưu tập tư nhân, mỗi người có một phong cách, quan điểm sưu tầm riêng. Tuy nhiên nhìn chung, giới sưu tập đồ cổ ở Đà Nẵng thường theo đuổi những hiện vật mang dấu ấn rất riêng, chỉ xuất hiện ở một giai đoạn lịch sử hoặc một địa phương.

Đặc biệt, các nhà sưu tập ở Đà Nẵng có tinh thần coi việc bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật là trách nhiệm chung, không phải của riêng cơ quan chức năng. Nhiều nhà sưu tập thường xuyên hiến tặng, hỗ trợ hiện vật, cổ vật cho bảo tàng, góp phần làm đa dạng hóa các hoạt động trưng bày, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng. “Những hoạt động hiến tặng hiện vật hoặc trưng bày triển lãm, trước hết giúp công chúng tiếp cận những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. Đồng thời, góp phần huy động sự chung tay của cộng đồng trong bảo tồn di sản”, ông Tuấn chia sẻ.

Trong khuôn khổ triển lãm lần này, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận hiện vật hiến tặng của gần 10 nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn thành phố. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, phong trào hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đà Nẵng được phát động từ năm 2012 và mang lại những hiệu quả thiết thực.

Nhiều nguồn tài liệu, hiện vật giá trị được các tổ chức, cá nhân hiến tặng đã làm phong phú cho kho cơ sở của bảo tàng, đem đến cho công chúng những giá trị văn hóa, di sản đa dạng về loại hình, nội dung. Với trách nhiệm của mình, bảo tàng sẽ lưu giữ, khai thác hiệu quả những hiện vật được hiến tặng. Đồng thời, có kế hoạch trưng bày phù hợp với từng thời điểm, đối tượng để phát huy tối đa giá trị di sản. Đây cũng là cách tôn trọng, tri ân quá khứ, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.