Từ trung tâm thành phố, theo hướng cầu vượt Hòa Cầm, đi trên quốc lộ 14B qua hết địa phận xã Hòa Nhơn đến ngã ba Túy Loan, du khách bắt gặp một ngôi đình cổ kính, trang nghiêm: đình làng Túy Loan. Đình Túy Loan được xem là trung tâm văn hóa của người dân Túy Loan. Nơi đây diễn ra tất cả các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của làng. Chính vì vậy, nhân dân trong vùng luôn cố gắng, ra sức tôn tạo và bảo vệ ngôi đình, nhờ vậy đến nay các kiến trúc trong đình vẫn giữ nguyên nét cổ kính.
Lễ dâng hương tế đình. Ảnh: G.H |
Theo nội dung các văn bia và các bậc cao niên trong làng kể lại, ngôi đình cùng nhà thờ ngũ tộc thôn Túy Loan được hình thành do tiền hiền ngũ tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê thừa lệnh chỉ vua Lê, niên hiệu Hồng Đức (1470) cùng vào Nam mở mang bờ cõi, khai cư lập ấp. Nhờ có công lao to lớn và sự đoàn kết gắn bó giữa ngũ tộc trong làm ăn sinh sống cũng như trong việc xây dựng miếu đình, tu bổ mồ mả, nối dòng thờ tự, xây quán làm đường, hình thành nên một số nghề thủ công để phục vụ cho nhu cầu đời sống như: dệt gấm, đan các loại dụng cụ để phục vụ trực tiếp cho ngành nông nghiệp. Vì thế mà phong tục tập quán ngày càng tiến bộ và có tiếng vang xa. Cũng chính vì lý do đó mà các vua triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái… đến đời vua Bảo Đại) đã nhiều lần xét phong sắc cho Tiền hiền cả ngũ tộc.
Ngôi đình cùng nhà thờ đầu tiên được dựng bằng tranh tre từ năm 1470-1788, sau đó được trùng tu tôn tạo quy mô bằng gạch, lợp ngói âm dương. Qua tư liệu minh chứng từ khi hình thành đình làng cùng nhà thờ đến nay đã hơn 500 năm. Cũng từ quá trình hình thành và phát triển hưng thịnh đó mà nơi đây được xem là vùng “đất lành chim đậu”, nhân dân các vùng khác không ngừng tìm đến định cư để học cách làm ăn sinh sống. Có lẽ vậy mà ngày càng có nhiều họ tộc khác nhau gia nhập vào làng. Hiện nay làng Túy Loan có 35 họ tộc, song ngũ tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê vẫn là những họ tộc chính.
Cùng với thời gian, ngôi đình làng là một trong những nơi từng chứng kiến biết bao sự biến động và thăng trầm của lịch sử dân tộc, đặc biệt là qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ: năm 1945, hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhân dân thôn Túy Loan lấy đình làng cùng nhà thờ Túy Loan làm trụ sở bài phong phản đế, cùng với tổng An Phước kéo về huyện Hòa Vang cướp chính quyền Pháp - Nhật.
Từ năm 1946-1947, đình cùng nhà thờ Túy Loan là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 17 và 19 do ông Đàm Quang Trung chỉ huy. Từ năm 1956-1957, nơi đây bị chính quyền Mỹ - Diệm chiếm cứ sử dụng làm trung tâm huấn chính để tra tấn, khai thác các cán bộ, đảng viên và những người yêu nước tham gia cách mạng của huyện Hòa Vang. Từ năm 1976-1977, Trung đoàn Thông tin sử dụng đình và nhà thờ làm nhà kho, làm căn cứ đóng quân do ông Nguyễn Văn Lang làm Trung đoàn trưởng. Tuy trải qua thời gian và bị tàn phá bởi chiến tranh, đình Túy Loan vẫn được bà con ngũ tộc và nhân dân Túy Loan - Hòa Phong giữ gìn gần như nguyên trạng với lối kiến trúc cổ kính.
Hằng năm, khi không khí Tết còn lan tỏa khắp nơi, nhân dân, các vị trưởng tộc cùng ban lãnh đạo địa phương hồ hởi chuẩn bị lễ hội đình làng một cách rầm rộ và chu đáo. Trong tất cả các ngày lễ của đình làng Túy Loan thì lễ hội lớn nhất diễn ra trong hai ngày 9 và 10 tháng Giêng (âm lịch). Vào ngày 9 sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ trong đình. Các bậc tiền bối, hội đồng các chi phái tộc tập trung để hành lễ, gồm lễ rước sắc phong, nhạc lễ dâng hương tế đình giúp con cháu tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai phá, lập làng. Đám rước sắc phong gồm các vị cao niên trong làng cầm cờ dẫn đầu, theo sau là đội bát âm, lính lệ rồi đến kiệu rước sắc, theo sau là người dân trong làng xếp hàng dài. Lễ rước ven sông qua 4 thôn của làng Túy Loan, cánh đồng, chợ mới chợ cũ để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà phát đạt…
Nếu như phần lễ được tổ chức long trọng và trang nghiêm vào buổi sáng ngày 9 thì phần hội diễn ra liên tục từ chiều hôm đó đến ngày hôm sau với nhiều trò chơi mang đậm tính dân gian và rất vui nhộn mà ai ai trong làng cũng có thể tham gia như: gói bánh tét, nướng bánh tráng, bắt lươn, hái chuối, kéo co... Trong đêm mồng 9 tại sân đình còn là đêm mà mọi người tập trung đến để xem văn nghệ chào mừng một mùa xuân mới lại về trên quê hương và bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân. Trong những ngày diễn ra lễ hội không thể thiếu sự có mặt của bài chòi - một hình thức sinh hoạt dân gian quen thuộc của cư dân xứ Quảng.
Trong ngày mồng 10 sẽ diễn ra lễ hội đua thuyền ngay trước đình Túy Loan. Thực chất phần hội này xuất phát từ truyền thống nông nghiệp bởi ngoài việc trồng lúa nước thì nghề đánh bắt tôm cá còn là nghề chính ở nơi đây. Vì thế, lễ hội đua thuyền cũng thể hiện được nét văn hóa của cư dân lúa nước. Việc tổ chức lễ hội đình làng Túy Loan không chỉ là để tưởng niệm công đức, tri ân các vị tiền bối mà còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực khác như: thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục cho con cháu hôm nay và mai sau, tạo được mối hòa hợp giữa các tộc phái trong làng ngày càng gắn bó hơn, qua đó phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, gìn giữ thuần phong mỹ tục của làng.
Đình Túy Loan hiện nay thuộc thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Đình Túy Loan được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại Quyết định số 01/1999/QĐ-BVHTT ngày 4-1-1999. Vào triều Nguyễn, đình làng cùng nhà thờ Túy Loan được phong gồm 20 sắc phong và 5 sắc ngũ tập có ấn chỉ của các đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái đến nay vẫn còn lưu giữ. Đình hiện có 20 sắc thần và 5 sắc ngũ tộc, đây là điểm đặc biệt và cũng là sự khác biệt rất lớn so với các ngôi đình khác. |
GIA HUY