Di tích văn hóa, lịch sử Hòa Vang: Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh - Chí sĩ tiên phong trong phong trào Cần Vương

.

Nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 20km về phía tây nam, trên trục quốc lộ 14B, có một ngôi làng mang tên La Châu. Nơi đây là quê hương của vị khoa bảng nổi tiếng thời Tự Đức, tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh. Mộ Đỗ Thúc Tịnh hiện tọa lạc tại thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2007. Ông là chí sĩ yêu nước có nhiều đóng góp trong phong trào chống Pháp.

Bức bình phong trước mộ danh nhân Đỗ Thúc Tịnh. Ảnh: Đ.G.H
Bức bình phong trước mộ danh nhân Đỗ Thúc Tịnh. Ảnh: Đ.G.H

Theo tư liệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang, làng La Châu, nguyên trước thuộc tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Đến thời vua Khải Định nhà Nguyễn, La Châu là một đơn vị hành chính cấp xã thuộc tổng An Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày nay, La Châu thuộc xã Hòa  Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Cho đến nay thật khó xác định thời gian lập làng La Châu một cách chính xác. Chỉ biết rằng dòng họ đến đây khai canh lập nghiệp sớm nhất là tộc Đinh, nay đã trải qua 17 đời.

Đối với tộc Đỗ, gia phả dòng họ Đỗ Thúc Tịnh cho biết tổ tiên là người Quảng Ngãi, đến đời thứ 6 có ông Đỗ Hữu Nghi ra Quảng Nam học và lấy người con gái họ Võ, người làng An Trạch (thuộc xã Hòa Khương ngày nay). Sau đó ông đưa cả gia đình lên lập nghiệp ở La Châu và trở thành ngài thủy tổ của tộc Đỗ ở đây. Đó là vào khoảng nửa sau thế kỷ 18. Từ đó, liên tiếp các đời thứ 7, thứ 8 họ Đỗ La Châu luôn có những người học hành đỗ đạt, giữ nhiều trọng trách ở tổng, huyện. Tuy đời sống kinh tế lúc đó còn khó khăn, nhưng La Châu có truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ đạt thành tài và trở thành nét đẹp văn hóa khiến nhiều làng khác phải ngưỡng mộ, biểu hiện qua việc xây dựng Văn Chỉ La Châu, mà Đỗ Thúc Tịnh là tiêu biểu.

Ông Đỗ Thúc Tịnh tự là Cấn Trai, húy là Như Chương, sinh ngày 16 tháng giêng năm Mậu Dần (tức ngày 20-2-1818), mất ngày 26 tháng giêng năm Nhâm Tuất (1862). Sinh thời, Đỗ Thúc Tịnh là người thông minh, ham học, hết mực hiếu thuận nên được bà con xóm làng khen ngợi, yêu mến. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), Đỗ Thúc Tịnh đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ. Hai năm sau, năm 1848, khi Tự Đức mới lên ngôi, mở khoa thi đặc biệt gọi là Ân khoa, ông đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, đứng hàng thứ tư, là vị tiến sĩ đầu tiên của huyện Hòa Vang lúc bấy giờ. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), ông được bổ làm tri phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn ông phải xin về quê phụng dưỡng mẹ già đang ốm nặng. Gia phả họ Đỗ ghi lại: “suốt ngày, ông quanh quẩn dưới gối, chẳng muốn xa lìa mẹ một phút”. Không lâu sau, năm 1851, mẹ ông qua đời. Theo lễ giáo phong kiến, ông ở nhà thọ tang mẹ 3 năm.

Năm Tự Đức thứ 6 (1853) ông lại được gọi ra, bổ làm tri phủ huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chính lúc này, Đỗ Thúc Tịnh mới có dịp thi thố sở học và biểu lộ phẩm cách của một công bộc với dân. Khi ông về chấp chính ở Diên Khánh, nhân dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, đói kém, bệnh tật, nạn cướp bóc luôn hoành hành. Ông tìm cách an ủi nhân dân, cấp thuốc men cho người bệnh tật, phân phát gạo cho người nghèo khó; đối với bọn cướp, ông một mặt khuyên dụ, thu phục, mặt khác tạo cho chúng công ăn việc làm để hoàn lương. Nhưng đó mới chỉ là việc làm trước mắt. Để tạo cho nhân dân có được cuộc sống no ấm lâu dài, ông lo sửa chữa đường sá, vận động nhân dân khai khẩn đất hoang, đẩy mạnh sản xuất, khai thôn mở ấp, mở mang chợ búa để thúc đẩy giao thương. Nhờ vậy Diên Khánh có thêm 242 mẫu ruộng, 960 gia đình được an cư lạc nghiệp, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Ông được nhân dân yêu mến và kính trọng gọi là “Đỗ Phụ”.

Tài năng và công trạng của ông nhanh chóng được triều đình biết đến nên chỉ một năm sau, năm Tự Đức thứ 7 (1854), ông được vua hạ chỉ gọi về kinh làm giám sát ngự sử, nhưng nhân dân Diên Khánh và quan tỉnh thần địa phương làm đơn gởi về triều xin cho ông ở lại. Năm 1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, hai năm sau đánh chiếm Định Tường. Trong lúc tại triều đình có người vì lo sợ đã chủ hòa, Đỗ Thúc Tịnh dâng sớ xin Tự Đức cho vào Nam cùng quân dân chống giặc Pháp xâm lược, cứu nước. Ông được Tự Đức khen ngợi là người có nghĩa khí, cho sung Khâm phái quân vụ, lĩnh Tuần phủ Định Tường. Trong khi đang cùng với quan quân tập trung sức lo việc đánh đuổi giặc Pháp, lo chuyện thu hồi các tỉnh miền Đông thì ông lâm bệnh và mất tại Vĩnh Long ở tuổi 45.

Sau khi ông mất, Tự Đức truy tặng ông hàng Tuần phủ Đinh Tường, cấp cho gia đình 1 cây gấm Trung Quốc, 5 tấm lụa, 10 cây vải, 80 lạng bạc và các con ông cũng được lục dụng (được ân bổ làm việc khi trưởng thành). Vua Tự Đức còn phái Khâm sai đến nhà ông tổ chức lễ phúng điếu trọng thể khi linh cữu của ông được đưa về Quảng Nam. Năm 1982, Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã cho tôn tạo phần mộ của ông và xây thêm bia tưởng niệm với dòng chữ khắc trên bia “Đỗ Thúc Tịnh, một chiến sĩ tiên phong trong phong trào chống Pháp”. Ngày nay, ở Đà Nẵng, nhiều tên đường, tên trường cũng mang tên tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh. Các di tích trên đã có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ hiện nay ở địa phương.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.