Nâng tầm danh thắng Ngũ Hành Sơn

.

Ngày 11-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (danh thắng Ngũ Hành Sơn) với 7 nhóm dự án, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố quản lý, bảo vệ danh thắng Ngũ Hành Sơn hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch. Đồng thời tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng này trở thành không gian văn hóa, tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ ngọn Thủy Sơn. Ảnh: X.D
Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ ngọn Thủy Sơn. Ảnh: X.D

Quy hoạch nhiều hạng mục quan trọng

Theo quyết định, phạm vi lập quy hoạch, có diện tích 1.049.701m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ 1 và 2. Cụ thể, phía đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng ven biển, phía tây giáp sông Cổ Cò, phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng, phía bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.

Theo nội dung quy hoạch, danh thắng Ngũ Hành Sơn có khu chức năng liên quan đến bảo tồn cấu trúc danh thắng và khu chức năng liên quan đến tôn tạo, phát huy giá trị danh thắng. Trong đó, khu chức năng liên quan đến bảo tồn cấu trúc danh thắng được điều chỉnh mở rộng phạm vi khu vực bảo vệ 1 của danh thắng Ngũ Hành Sơn thành 189.821m2, gồm: diện tích khu vực cảnh quan của 6 ngọn núi (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn), diện tích bổ sung của khu vực núi Ghềnh (8.373m2) và phần núi đá phía Đông Nam Âm Hỏa Sơn (328m2).

Còn khu chức năng liên quan đến tôn tạo, phát huy giá trị danh thắng sẽ gồm các khu vực công cộng (sân khấu biểu diễn có mái che, công viên thiếu nhi, khu sinh hoạt cộng đồng…), dịch vụ du lịch (không gian quảng trường, dịch vụ ẩm thực, trưng bày và bán các sản phẩm nghề thủ công truyền thống…), không gian cây xanh, không gian bổ trợ và hệ thống giao thông.

Đáng chú ý, không gian kiến trúc, cảnh quan được quy hoạch theo định hướng bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và bổ sung các yếu tố nhận diện mới phù hợp. Trong đó, bảo tồn toàn bộ các giá trị nổi bật của danh thắng Ngũ Hành Sơn, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực như: hệ thống núi đá vôi và các hang động (chỉnh trang cảnh quang, hệ thống chiếu sáng); các công trình di tích, điểm danh thắng; hệ thống bia ma nhai; các vị trí, khu vực thám sát, khảo cổ; hệ sinh thái và các di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội Quán Thế Âm, lễ kỵ Thạch nghệ Tổ sư nghề đá Non Nước, lễ hội đình Khuê Bắc).

Bên cạnh đó, trong không gian khu vực phát huy giá trị danh thắng sẽ giữ lại kết hợp chỉnh trang một phần và giải tỏa một phần nhà ở kết hợp kinh doanh đá mỹ nghệ trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, đường Non Nước để tạo lập trục cảnh quan kết nối ngọn Thủy Sơn và Mộc Sơn. Đặc biệt, tổ chức tuyến không gian văn hóa, lễ hội Đông - Tây kết nối không gian biển, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, sông Cổ Cò với điểm khởi đầu tuyến là khu vực công viên danh nhân và điểm kết thúc là cồn đất giữa sông Cổ Cò. Ngoài ra, sẽ xây dựng các công trình, hạ tầng kỹ thuật tại các ngọn núi và xung quanh trục lễ hội như: bãi đỗ xe, sân lễ hội, khu kinh doanh hàng mỹ nghệ…

Quyết định phê duyệt quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Trong ảnh: Du khách người nước ngoài tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn.  Ảnh: X.D
Quyết định phê duyệt quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt. TRONG ẢNH: Du khách người nước ngoài tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: X.D

Một đại dự án về văn hóa

Quyết định phê duyệt quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn là niềm mong mỏi của thành phố nói chung, các cơ quan quản lý, quận Ngũ Hành Sơn và người dân nói riêng sau hơn 5 năm danh thắng này được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Theo NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, sau hơn 5 năm, trong đó 3 năm Covid-19, thành phố đã có rất nhiều nỗ lực trong việc khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Vì vậy, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định này có thể nói là thỏa lòng mong đợi của những người gắn bó với danh thắng trong chặng đường qua. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn. Quyết định này sẽ ngăn chặn sự xâm phạm cảnh quan, từ vùng gốc đến vùng đệm di tích.

Đồng thời, góp phần nâng tầm danh thắng Ngũ Hành Sơn, lan tỏa giá trị di tích quốc gia đặc biệt này đến với đông đảo du khách gần xa. “Việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định riêng về di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, chứng tỏ di tích này có giá trị rất lớn. Tôi tin rằng, sau khi được quy hoạch, chắn chắn danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ được đưa lên một tầm cao mới, vang danh ngày một xa hơn”, NSND Huỳnh Hùng chia sẻ.

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng Ngũ Hành Sơn có 7 nhóm dự án thành phần, gồm: đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ khu danh thắng; bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích, cảnh quan môi trường thiên nhiên gắn với danh thắng Ngũ Hành Sơn; tôn tạo hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực bảo vệ 1; sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật và bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khảo sát, nghiên cứu và bảo tồn hệ sinh thái; xây dựng các khu chức năng, công trình hỗ trợ phát huy giá trị di tích và hạ tầng kỹ thuật và các dự án nghiên cứu nhằm phát triển, bổ sung sản phẩm dịch vụ du lịch.

Các nhóm dự án được phân kỳ đầu tư, ưu tiên thực hiện trong 3 giai đoạn, từ năm 2023 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, giai đoạn 2023-2026: triển khai các nhóm dự án số 1, 2, 3 một số dự án thành phần trong nhóm dự án số 6 và số 7; giai đoạn 2026-2030 sẽ triển khai các nhóm dự án số 4, số 5 và một số dự án thành phần trong nhóm dự án số 6 và số 7. Còn giai đoạn 2030-2050 triển khai hoàn thành các dự án còn lại.

Theo quyết định của Chính phủ, nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn sử dụng ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, các dự án liên quan đến các hạng mục gốc cấu thành danh lam thắng cảnh, hệ thống công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các hạng mục phục vụ quảng bá phát huy giá trị di tích sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

Còn các dự án thương mại, du lịch, dịch vụ, điểm khai thác dịch vụ do các chủ đầu tư thứ cấp đầu tư dưới sự quản lý theo phân cấp của địa phương. Trưởng ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn Nguyễn Văn Hiền cho biết, quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ là quy hoạch 1/2000, quy định chung về toàn bộ dự án. Trên cơ sở quyết định này, thành phố sẽ công bố quy hoạch cho toàn dân; các sở, ngành chức năng lập quy hoạch chi tiết 1/500 để tham mưu thành phố phân kỳ đầu tư, thiết kế dự toán.

Trước mắt, với vai trò của mình, Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ cố gắng quản lý tốt, giữ nguyên hiện trạng của danh thắng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực về nội dung quy hoạch. Sau khi có quy hoạch chi tiết 1/500, ban quản lý sẽ kiến nghị chính quyền các cấp triển khai các hạng mục theo trình tự trước - sau. Trên cơ sở đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn sẽ tham mưu Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thành phố để tính toán nguồn vốn, xin nghị quyết HĐND thành phố đầu tư.

X.DŨNG

Đảng ủy Ban Quản lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác Đảng, công tác chính quyền 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2023. 6 tháng đầu năm, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn đón 844.919 lượt khách đến tham quan (trong đó khách nước ngoài 596.650 lượt); hơn 514.000 lượt khách sử dụng thang máy tham quan ngọn Thủy Sơn. Tổng thu ngân sách đạt gần 36 tỷ đồng. (NGỌC PHƯƠNG)

 

;
;
.
.
.
.
.