Văn hóa - Giải trí
Nuôi dưỡng tình yêu biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Sau 6 năm đi vào hoạt động, với sứ mệnh cao cả của mình, Nhà Trưng bày Hoàng Sa trở thành nơi nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển, đảo thiêng liêng, hun đúc tinh thần trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thanh niên kiều bào tham quan, tìm hiểu tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: P.V |
Giáo dục về biển, đảo quê hương cho thế hệ trẻ
Nhà Trưng bày Hoàng Sa trực thuộc UBND huyện Hoàng Sa đi vào hoạt động ngày 28-3-2018. Đây là thiết chế văn hóa - xã hội mang tính chính trị cao; nơi sưu tầm, lưu trữ và trưng bày các tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng và biển, đảo nói chung.
Tính đến tháng 8-2023, nhà trưng bày tiếp đón hơn 100.000 lượt khách với hơn 1.500 đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Trong đó, khách là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, chiếm hơn 50%. Nhà trưng bày có nhiều hoạt động nổi bật nhằm tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo quê hương cho mọi tầng lớp nhân dân.
Không gian trưng bày tư liệu, hiện vật bao gồm 4 tầng với 5 chủ đề về quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, được tuyên truyền, giới thiệu đến công chúng qua hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
Nhà trưng bày đẩy mạnh hoạt động giáo dục cho học sinh các cấp với nhiều hình thức như tham quan, tìm hiểu không gian trưng bày; xem phim tư liệu; tham gia cuộc thi Rung chuông vàng “Em yêu biển, đảo quê hương” và trưng bày tư liệu “Tuổi trẻ Việt Nam với biển, đảo quê hương”.
Cuối tháng 7-2023, trong khuôn khổ chương trình “Trại hè Việt Nam 2023” dành cho các đại biểu là thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng đã tổ chức tham quan, tìm hiểu tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa.
Qua hoạt động, các kiều bào trẻ hiểu hơn về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ đó, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển, đảo thiêng liêng, hun đúc tinh thần trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hồ Đăng Dũng, trại sinh Trại hè Việt Nam, tâm sự: “Em rất tự hào và xúc động khi biết được các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các thế hệ người Việt Nam luôn khắc cốt, ghi tâm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam và có những bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi được.”
Hoạt động trưng bày, triển lãm được tổ chức thường xuyên và có hiệu quả. Nhà trưng bày tổ chức mô hình “Mang lịch sử về trường học” với trưng bày tư liệu “Hoàng Sa là của Việt Nam” tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Hoạt động này cung cấp cho học sinh những kiến thức, nâng cao nhận thức về gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Dự kiến trong năm học 2023 - 2024 sắp tới, nhà trưng bày tổ chức trưng bày tư liệu tại hơn 10 trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố.
Địa chỉ đỏ của nhiều cơ quan, đơn vị
Trong những năm qua, Nhà Trưng bày Hoàng Sa được nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố lựa chọn là địa chỉ để tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Chương trình bao gồm tham quan, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thông tin, tư liệu trưng bày; xem phim tư liệu về biển, đảo quê hương.
Qua đó, giúp các đảng viên quyết tâm hơn với nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, không ngừng tuyên truyền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo ông Trần Đỗ Đạt, Bí thư Chi bộ Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, sau buổi sinh hoạt chuyên đề tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa, các đảng viên hiểu tường tận hơn về quá trình làm chủ quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử. Từ đó, quyết tâm, nỗ lực hơn trong công tác tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Việt Nam.
Nhà trưng bày tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị thành phố và các tỉnh, thành phố khác tổ chức sự kiện triển lãm, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo nói chung và quần đảo Hoàng Sa nói riêng. Điển hình như phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Thành Đoàn và Trường Đại học Đông Á tổ chức triển lãm và tuyên truyền biển, đảo về chủ đề “Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương” tại Trường Đại học Đông Á; phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức triển lãm và tuyên truyền biển, đảo “Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương” tại tỉnh Quảng Nam; tham mưu phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) tổ chức triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn”
TS. Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà Trưng bày Hoàng Sa, nhấn mạnh: “Tôi và những anh chị em ở Nhà Trưng bày Hoàng Sa luôn chia sẻ với nhau rằng, mọi người đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, là gắn bó sự nghiệp của mình với Hoàng Sa và Trường Sa, để lan tỏa câu chuyện về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đến với cộng đồng người Việt Nam và du khách trong và ngoài nước. Đó là những giá trị phải được gìn giữ không chỉ cho hiện tại mà còn cả thế hệ mai sau”.
LÊ NA