Người trẻ múa lân

.

Trên địa bàn thành phố hiện có trên 20 đoàn múa lân sư rồng chuyên nghiệp lẫn phong trào, đa phần được gây dựng và phát triển bởi những người trẻ có tình yêu với loại hình nghệ thuật truyền thống. Những năm trở lại đây, bộ môn nghệ thuật này ngày càng có bước phát triển, hình ảnh những chú lân sặc sỡ sắc màu không chỉ xuất hiện vào dịp Tết Trung thu, mà cả trong các hoạt động văn hóa, du lịch của thành phố.

Biểu diễn múa lân phục vụ các em thiếu nhi trên địa bàn huyện Hòa Vang dịp Tết Trung thu năm 2022. Ảnh: X.D
Biểu diễn múa lân phục vụ các em thiếu nhi trên địa bàn huyện Hòa Vang dịp Tết Trung thu năm 2022. Ảnh: X.D

Trung thu cận kề, dạo quanh những con đường, không khó để bắt gặp hình ảnh những đoàn lân sư rồng đang say sưa tập luyện với tiếng trống, nhịp kèn rộn rã, vang vọng cả một góc phố. Không chỉ hấp dẫn với trẻ nhỏ, múa lân như một món ăn tinh thần đặc biệt được người lớn chờ đợi vào dịp Trung thu.

Chị Nguyễn Thị Hồng, trú phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) chia sẻ, múa lân là môn nghệ thuật đẹp về hình thức biểu diễn, mang ước vọng về sự phát đạt, hanh thông trong công việc lẫn cuộc sống, nên được khán giả ở mọi độ tuổi yêu thích. “Hằng năm, tôi đều đưa con đến chơi ở các lễ hội trăng rằm quanh khu vực sinh sống. Cùng với đèn lồng, bánh trung thu, múa lân đã in hằn vào tâm thức của bao thế hệ, trở thành một nét đẹp văn hóa nên rất cần được lưu truyền mãi về sau”, chị Hồng bày tỏ.

Theo sự phát triển của xã hội, nhiều đoàn lân phong trào chuyển mình thành các đoàn lân chuyên nghiệp, phục vụ các sự kiện văn hóa, thương mại, du lịch của thành phố. Một điểm chung của các đoàn là thành viên đều khá trẻ, nhiều em độ tuổi học sinh nhưng có động tác rất điêu luyện.

Lý giải về điều này, anh Nguyễn Hồ Hoàng Ngọc (SN 1989), Trưởng đoàn lân sư rồng Quang Châu Đường (chuyên biểu diễn ở Đà Nẵng, Quảng Nam) cho biết, không phải ai thích đều có thể tham gia múa lân, bởi lẽ đây vừa là một môn nghệ thuật, vừa là môn võ thuật, yêu cầu thể lực tốt và kỹ thuật khéo léo. Do đó, thanh, thiếu niên là phù hợp nhất, vì lứa tuổi này có thể lực dồi dào, độ dẻo dai nhất định. Mặt khác, để có được một tiết mục múa lân trong 20-30 phút, đặc biệt là lân mai hoa thung (thể loại đỉnh cao của múa lân, điều khiển lân nhảy múa trên các cột sắt), người biểu diễn phải tập luyện ròng rã hàng tháng trời. Vì vậy, lứa tuổi thanh, thiếu niên sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn so với người lớn. Ngoài ra, người múa lân cần có niềm đam mê, sự kiên trì, tinh thần đoàn kết và khả năng cảm thụ âm nhạc. Một bài múa lân, sư, rồng sẽ trở nên thô cứng nếu người biểu diễn không biết thả hồn vào linh vật đang khoác trên người, thiếu sự hòa quyện giữa những bước di chuyển với nhịp trống, phách.

Sức trẻ là yếu tố quan trọng đối với bộ môn múa lân, song đa phần những thành viên trong các đoàn lân sư rồng đều không xem đây là công việc chính, tham gia để thỏa đam mê. Qua thời gian, các thành viên trong đoàn trưởng thành, có công việc ổn định sẽ rời đi nên các đoàn lại phải tiếp tục tuyển lứa mới về thay thế. Vì vậy, muốn trở thành một đoàn lân chuyên nghiệp đòi hỏi mỗi đoàn phải có các thành viên kỳ cựu, gắn bó nhiều năm để hướng dẫn, truyền lửa đam mê nghệ thuật lân sư rồng đến các thế hệ tiếp nối.

Gần 17 năm múa lân, anh Lê Phước Nhật Kha (SN 1995), thành viên cốt cán của một đoàn lân sư rồng đóng trên địa bàn quận Liên Chiểu chia sẻ: “Với tôi, múa lân đã trở thành một phần của cuộc sống. Múa lân không chỉ cho tôi thỏa mãn được sở thích của mình mà còn giúp giải tỏa được áp lực cuộc sống. Vì vậy, với các em trẻ hơn có cùng đam mê này, tôi luôn cố gắng truyền lửa, hướng dẫn từng động tác một cách cặn kẽ, nhuần nhuyễn. Trên hết, khi tham gia các đoàn lân sư rồng sẽ giúp cho các em có thêm một sân chơi bổ ích, vừa rèn luyện thể thực, tạo ra thu nhập và hạn chế sa vào các tệ nạn xã hội”.

Tuổi đời còn khá trẻ, song đã có thâm niên quản lý một đoàn lân chuyên nghiệp hơn 6 năm nay, anh Lê Nguyễn Thanh Thiên (SN 1996), Trưởng đoàn lân sư rồng Hưng Long (quận Cẩm Lệ) khẳng định, múa lân sư rồng không đơn thuần là một môn kỹ nghệ, mà còn là nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Những người đang hoạt động trong bộ môn kỹ nghệ này có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cha ông để lại; đồng thời, trong từng tiết mục biểu diễn phải cố gắng hết sức để người xem hiểu biết được những nét đẹp của nghệ thuật múa lân. So với những địa phương khác, múa lân ở Đà Nẵng tương đối phát triển với nhiều đoàn biểu diễn chuyên nghiệp, đạt giải cao ở các cuộc thi, liên hoan cấp khu vực. Tuy nhiên, các cuộc thi, liên hoan về múa lân ở thành phố vẫn còn khá thiếu vắng.

“Năm 2023, Việt Nam đã có Liên đoàn lân sư rồng quốc gia, ở một số tỉnh thành cũng bắt đầu có liên đoàn trực thuộc. Mong rằng, thời gian tới, thành phố cũng có Liên đoàn lân sư rồng Đà Nẵng để giúp các đoàn đi theo hướng chuyên nghiệp, tập trung phát triển chuyên môn, tạo thành nét riêng. Qua đó, đưa phong trào lân sư rồng ở Đà Nẵng từng bước phát triển, sánh vai cùng với cả nước và khu vực”, anh Thiên nói.

X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.