Sau khi bài chòi được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, thành phố Đà Nẵng chủ trương đưa loại hình nghệ thuật dân tộc này vào trường học, phổ cập cho giáo viên và học sinh. Đây cũng chính là con đường hiệu quả nhất để tạo ra lớp kế cận gắn bó, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa này.
Các giáo viên âm nhạc biểu diễn tiết mục sau thời gian tập huấn nghệ thuật bài chòi do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tổ chức cuối tháng 10-2023. Ảnh: X.D |
Gieo mầm đam mê vào trường học
Từ năm 2009, huyện Hòa Vang triển khai thí điểm chương trình đưa dân ca vào trường học tới 6 trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Đến nay, 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện có CLB Em hát dân ca. Để duy trì, nâng cao hiệu quả các CLB này, huyện mời các nghệ nhân hát dân ca, bài chòi như: Thanh Châu, Hồng Thái, Nguyễn Thị Lệ, Thế Dân… trực tiếp giảng dạy các lớp bồi dưỡng hát dân ca cho đội ngũ giáo viên phụ trách môn âm nhạc. Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố mở lớp tập huấn nghệ thuật sân khấu học đường để giáo viên nắm bắt các làn điệu dân ca bài chòi, nâng cao kỹ năng biểu diễn.
Là nghệ nhân trực tiếp đứng lớp truyền dạy hát dân ca trong trường học, chị Nguyễn Thị Lệ, chuyên viên Trung tâm Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hòa Vang, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên chia sẻ: “Khi tham gia lớp học, học sinh say mê tập luyện, hầu hết các em có sự cảm nhận đặc biệt với các làn điệu dân ca. Trong đó, nhiều em bộc lộ được năng khiếu nổi trội. Đến nay, hầu hết giáo viên và học sinh đều nắm chắc các làn điệu cơ bản của dân ca Khu 5”.
Một số địa phương, đơn vị cũng chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đưa dân ca bài chòi vào học đường nhằm tìm kiếm, phát triển hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở tại các trường. Từ 29-9 đến 6-10, UBND quận Cẩm Lệ tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật hô hát dân ca - bài chòi cho hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở năm 2023. Trong lớp tập huấn, hơn 100 học viên là cán bộ phụ trách văn hóa các phường và giáo viên âm nhạc tại các trường học trên địa bàn được các nghệ sĩ Đoàn ca kịch Quảng Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố hướng dẫn, thực hành các làn điệu hô hát dân ca, điệu lý cổ và lời mới như: hò khoan, hò giả vôi, vọng kim lan, lý ngựa ô...
Cuối tháng 10-2023, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật hô hát bài chòi cho hơn 60 giáo viên âm nhạc và phụ trách đoàn, đội tại các trường THCS. Tại đây, các NSƯT, nghệ nhân, nghệ sĩ có kinh nghiệm về hô hát bài chòi hướng dẫn học viên cách hô hát những làn điệu: xuân nữ, xàng xê, hò Quảng và cổ bản. Qua đó, giúp các đơn vị, trường học xây dựng được những tiết mục bài chòi đặc sắc để biểu diễn trong báo cáo, tổng kết năm học.
Chung tay gìn giữ di sản
Công tác bảo tồn và phát huy di sản bài chòi, trong đó việc đưa loại hình nghệ thuật này vào học đường luôn được thành phố và các địa phương triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, để học sinh tiếp cận, hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật này còn là chặng đường dài. Lâu nay, lớp tập huấn nghệ thuật hô hát bài chòi do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện chỉ duy trì tổ chức 1 lần/năm. Ngoài huyện Hòa Vang, hầu hết các trường ở những địa phương còn lại không có CLB bài chòi.
Và, kể cả có CLB học hát dân ca tại trường học nhưng nếu không được duy trì thường xuyên thì khó mà có kết quả. Chị Nguyễn Thị Lệ cho rằng, hát dân ca phải học thường xuyên mới thấm và ngấm. Nếu hát qua vài lần rồi bỏ, không được đào tạo thêm thì sẽ dần bị mai một. Một buổi dạy hát mà không đủ học trò thì chính nghệ nhân cũng mất “lửa”. Còn về nguồn nhân lực, từ trước tới nay huyện Hòa Vang là cái nôi của dân ca, bài chòi nên không lo thiếu người giảng dạy.
Một thực tế là dù bài chòi là di sản vô giá của miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, song lại thiếu công chúng, thế hệ trẻ không mấy mặn mà. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Ngô Văn Bảy cho biết, trong mỗi đợt tập huấn, đơn vị định hướng cho các thầy cô, học sinh tổ chức những buổi sinh hoạt, giao lưu bài chòi nhằm lan tỏa tình yêu các làn điệu dân ca. Hiện nay, một số đơn vị, trường học đã thành lập các CLB bài chòi và duy trì tập luyện thường xuyên.
Tuy nhiên, để phát huy, nhân rộng hơn nữa đòi hỏi phải có thêm thời gian và sự chung tay, hỗ trợ của các ngành liên quan. “Trên địa bàn thành phố hiện nay đang thiếu nhạc công cho các chương trình biểu diễn bài chòi. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn các làn điệu, chúng tôi sẽ tổ chức thêm những lớp tấp huấn nhạc cụ trong hô hát bài chòi cho các bạn trẻ có đam mê với loại hình nghệ thuật này”, ông Bảy chia sẻ.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, nếu bài chòi, tuồng cũng như các loại hình văn hóa dân tộc khác không có lớp kế cận, hoặc có lớp kế cận mà không có kế hoạch bồi dưỡng lâu dài, dẫn đến mất đi là điều rất đáng tiếc. Việc đưa dân ca vào trường học mục đích là tạo thế hệ công chúng yêu mến di sản văn hóa của cha ông chứ không nhằm đào tạo diễn viên.
Đương nhiên, nếu các em có đam mê và theo đuổi, phát triển sự nghiệp là điều rất đáng mừng. “Hiện chúng tôi đang tích hợp nội dung về các di sản văn hóa phi vật thể của thành phố vào tài liệu giáo dục địa phương ở các cấp phổ thông, trong đó có bài chòi. Điều quan trọng là phải đưa các loại hình nghệ thuật dân gian này thành bộ môn đào tạo trong Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng; đặc biệt quan tâm đến sự truyền nghề trực tiếp từ các nghệ nhân, vì chính trường học mới là nguồn đào tạo chủ yếu”, ông Tiếng nói.
KHÔI NGUYÊN