“Về miền di sản biển Đà Nẵng” là chủ đề của ngày hội di sản văn hóa năm 2023 do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 18 và 19-11. Người dân và du khách đến với ngày hội năm nay có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm về những nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển xứ Quảng.
Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào tháng 11 hằng năm. Ảnh: X.DŨNG |
Nhiều hoạt động đặc sắc
Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào tháng 11 hằng năm nhằm hưởng ứng Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23-11). Qua 3 lần tổ chức, ngày hội trở thành một sân chơi bổ ích, ý nghĩa cho người dân, du khách yêu thích văn hóa và di sản. Năm nay, với chủ đề “Về miền di sản biển Đà Nẵng”, công chúng đến với ngày hội được thưởng thức và trải nghiệm những nét văn hóa biển dân gian - đương đại thông qua các hoạt động được sắp xếp theo 3 chương, gồm: Chuyện làng biển, Hồn biển và Biển trong đời sống đương đại.
Trong đó, ở chương Chuyện làng biển, công chúng được thưởng thức triển lãm ảnh “Chuyện làng biển” với gần 30 bức ảnh về câu chuyện của các làng ven biển Đà Nẵng với nghề đánh bắt và chế biến hải sản truyền thống, cũng như những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt của cư dân vạn chài. Đồng thời, tham quan 65 bức tranh ký họa “Ký ức làng chồ” do sinh viên Trường Đại học Duy Tân thực hiện, để hồi tưởng về một ký ức không quên của thành phố với khu “Làng chồ” ven sông Hàn.
Rời “bữa tiệc thị giác” ở chương Chuyện làng biển, người dân, du khách tiếp tục đến với hàng loạt hoạt động đặc sắc ở chương Hồn biển và Biển trong đời sống đương đại. Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Bảo tàng Đà Nẵng) Phan Thị Xuân Mai cho biết, đây là 2 chương chính với 7 hoạt động, đa dạng từ văn nghệ, ẩm thực, trò chơi dân gian… Trong đó, talkshow “Nghe sử làng biển” diễn ra sáng 19-11 là hoạt động lần đầu tiên được bảo tàng đưa vào chương trình ngày hội. Talkshow có 3 phần, gồm: tín ngưỡng thờ thần trong văn hóa biển, hát bả trạo, câu chuyện làng chài.
Tại đây, công chúng được lắng nghe về biển thông qua những chia sẻ mộc mạc nhưng thấm thía, mặn mòi của những người con làng biển: nhà nghiên cứu Đặng Dùng; ngư dân Huỳnh Văn Mười; nghệ nhân hát bả trạo Phùng Phú Phong, Phùng Văn Phục. Ngoài ra, ngày hội năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của hoạt động “Chợ phiên đồ xưa Đà thành”. Tại phiên chợ, công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng các di vật, cổ vật được khai quật lên từ những con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam. “Đây là một cuộc du ngoạn về quá khứ để công chúng hình dung lại một thời vang bóng của “con đường tơ lụa trên biển” và cảm nhận vẻ đẹp, giá trị của các di sản văn hóa dưới nước”, bà Mai cho hay.
Nâng cao chất lượng ngày hội
Nếu như mọi năm, ngày hội di sản văn hóa của Bảo tàng Đà Nẵng chỉ tập trung hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên thì năm nay, đơn vị đã đổi mới các hoạt động nhằm phục vụ công chúng ở mọi độ tuổi. Đặc biệt, bảo tàng chủ động kết nối, huy động sự tham gia của các đơn vị, địa phương trong khâu tổ chức để góp phần đưa sự kiện này trở thành ngày hội của toàn dân. Minh chứng cho điều này phải kể đến hoạt động liên hoan “Hát dân ca - hò khoan đối đáp” với sự tham gia của 6 đội thi đến từ Trung tâm Văn hóa - Thể thao các quận, huyện (trừ Liên Chiểu).
Để chuẩn bị cho liên hoan, các đội thi đã chủ động xây dựng tiết mục, triển khai tập luyện khoảng 1 tháng nay để mang đến khán giả những màn biểu diễn đặc sắc nhất. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê Hồ Thành cho biết, trong liên hoan này, quận Thanh Khê mang đến đội hình 6 nghệ sĩ hát chính và gần 10 diễn viên múa, nhạc công. Đây là lực lượng nòng cốt của phong trào văn nghệ ở địa phương, đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố. Phần trình diễn của quận tham gia liên hoan được chuẩn bị công phu, tập trung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sự phát triển đi lên của địa phương và thành phố.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân, một bộ phận cư dân thành phố từ xa xưa đã bám biển, sống bằng nghề biển và hình thành nên các làng chài ven biển như: Nam Ô, Mân Thái, Mỹ Khê, Thanh Khê… Từ trong quá trình sinh tồn, những nét văn hóa của cư dân biển Đà Nẵng dần được hình thành và góp phần làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa vùng miền.
Với chủ đề “Về miền di sản biển Đà Nẵng”, đến với ngày hội di sản văn hóa năm nay, công chúng được thưởng thức, tìm hiểu di sản bằng đa giác quan, từ xem triển lãm, nghe hát, nghe talkshow, nếm tinh hoa ẩm thực và chơi các trò chơi dân gian mang đặc trưng của vùng biển xứ Quảng. Các hoạt động của ngày hội được bảo tàng xây dựng theo tiêu chí gần gũi, hướng tới cộng đồng, đặc biệt có sự tham gia của các chủ thể văn hóa - những người cả đời gắn bó với biển. Thông qua đó, quảng bá và tôn vinh những giá trị di sản văn hóa biển của thành phố, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa cũng như bảo vệ môi trường biển hôm nay.
X.DŨNG