Làng cổ Phong Lệ xuất hiện từ thời Hồng Đức cách đây hơn 500 năm về trước, nằm trên địa phận xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) và hai phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây (quận Cẩm Lệ) ngày nay. Ngôi làng này được ví như ngôi làng cổ trong lòng thành phố Đà Nẵng, lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo, có giá trị của vùng đất Đà Nẵng nói riêng, xứ Quảng nói chung.
Phong Lệ được ví như ngôi làng cổ trong lòng thành phố, lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo. Ảnh: X.D |
Ngôi làng có nhiều khác biệt
Phong Lệ là ngôi làng có rất nhiều khác biệt so với các làng khác trong vùng. Trước hết phải kể đến đình Phong Lệ, được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố năm 2007. Ngôi đình này có mái lợp ngói âm dương; trên nóc đình, tấm và các góc đuôi đều đắp long, lân, đặc biệt là có biểu tượng chiếc sừng trâu vút lên cao - một kiến trúc hiếm thấy ở các đình thờ nước ta. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho biết, đình Phong Lệ thường được gọi là đình Thần Nông/đình Mục Đồng, bởi đình không thờ Thành Hoàng mà thờ Thần Nông - vị thần nông nghiệp.
Ở nước ta, nhiều nơi thờ Thần Nông nhưng thờ chung với Thành Hoàng làng, không thờ riêng như đình Phong Lệ. Còn tên gọi đình Mục Đồng là bởi nơi đây cũng thờ các bậc tiền nhân mục đồng rất độc đáo, đồng thời là không gian trung tâm của lễ hội rước mục đồng làng Phong Lệ - lễ hội duy nhất ở nước ta vinh danh trẻ chăn trâu. “Hiếm có đình làng nào ở Đà Nẵng như đình Phong Lệ được một số danh sĩ Cao Bá Quát, Phan Bội Châu đến thăm và lưu lại bút tích qua các câu liễn bằng chữ Hán treo ở đình. Cũng hiếm có một đình nào ở Đà Nẵng từng thờ tạm bảy tượng phật cổ bằng đồng của chùa làng Phong Lệ”, ông Tiếng cho hay.
Về tiếng nói, làng Phong Lệ nhiều đời nay dùng nhóm từ “mày, tao, sao, vậy”, trong khi các làng lân cận (Cẩm Nê, Đông Phước, Cẩm Lệ...) đều nói “mi, tau, răng, rứa”. Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, sự khác biệt này có thể giả thiết là do tiền hiền một số tộc lớn của làng Phong Lệ có nguồn gốc từ các vùng ở phía bắc di dân vào. Và khi cả làng cùng nói giống nhau, đặc trưng này được duy trì ổn định lâu dài, không pha lẫn với các cộng đồng làng khác. Thứ đến, sự khác biệt này còn có thể do các tộc họ có nguồn gốc vùng “mày, tao, sao, vậy” đến định cư ở Phong Lệ muộn hơn các tộc họ đến các làng lân cận.
Quá trình hình thành làng xã giai đoạn đầu ở vùng nam Hải Vân diễn ra theo bước tiệm tiến; ở đây có sẵn từ buổi giao thời một số làng xã “bản địa” do người Chiêm được vua Đại Việt phong tước để quản lý; người Đại Việt phía bắc Hải Vân (vùng “mi, tau, răng, rứa”) xâm nhập vào làng mới bên ngoài phạm vi của các làng “bản địa”. Vào những thế kỷ sau đó, luồng di dân mạnh hơn của các làng phía bắc (vùng “mày, tao, sao, vậy”) chiếm lĩnh luôn quyền cai quản của các làng “bản địa”, trở thành thành phần quyền thế và để lại dấu dấn trong tiếng nói của cả cộng đồng làng.
Ngoài ra, trong địa bàn làng còn có 5 ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ rất giá trị. Các di tích như: miếu Âm linh, miếu Thái Giám Bạch Mã, miếu cây Sung... gắn với tín ngưỡng cổ xưa của làng. Đặc biệt, vùng đất Phong Lệ còn là quê hương của danh tướng Ông Ích Khiêm và chí sĩ Cần vương Ông Ích Đường. Về văn hóa ẩm thực, Phong Lệ có đặc sản bánh ít lá gai Phong Nam, bánh khô mè Quang Châu, bánh khô mè Cẩm Lệ hấp dẫn thực khách…
Gắn bảo tồn làng cổ với phát triển du lịch
Dưới tác động của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, Phong Lệ cần chắt lọc giá trị tinh hoa của địa phương khác để tự làm giàu thêm các giá trị vốn có của mình. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng diễn ra xung quanh các di tích là điều hết sức cần thiết. Đây là “tài sản văn hóa đặc trưng” để thu hút du khách. Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đinh Thị Trang, quá trình đô thị hóa ít nhiều làm thay đổi không gian làng xã, tạo nên những lo ngại về đời sống tín ngưỡng dân gian. Vì vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch huyện Hòa Vang nói chung, Phong Lệ nói riêng, cần kết hợp hài hòa việc tạo dựng cảnh quan đô thị với bảo tồn, tôn tạo cảnh quan nông thôn; tạo dựng cảnh quan đô thị phù hợp mô hình “Làng trong phố” ở Phong Lệ, góp phần làm tăng giá trị và điểm nhấn cho địa phương.
Trên cơ sở hiện trạng phân bố dân cư, nhà cửa, cần mở rộng đường xá, chỉnh trang vườn tược, hạn chế nhà cao tầng; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xóa bỏ thói quen không còn phù hợp trong việc bảo vệ môi trường. “Việc làm này tuy không dễ dàng, đòi hỏi phải hết sức thận trọng, nhưng nó có tác dụng bảo tồn văn hóa làng xã, giáo dục tinh thần dân tộc cho các thế hệ trẻ”, bà Trang chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Đà Nẵng cho rằng, thành phố đang nỗ lực xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống và đáng đến, chắc chắn đô thị ngày càng mở rộng hơn, nhưng giữ lại một làng quê giữa lòng thành phố cũng là điều cần thiết. Khi Phong Lệ trở thành một điểm du lịch văn hóa - sinh thái, đời sống của người dân sẽ được cải thiện nhờ những dịch vụ phục vụ du khách; người dân chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa của địa phương mình. Giá trị văn hóa và du lịch của vùng Hòa Vang - Cẩm Lệ sẽ phát triển bền vững khi có sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương.
“Những giá trị văn hóa truyền thống của Đà Nẵng nói chung, Phong Lệ nói riêng cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, phải khai thác tốt những giá trị văn hóa ấy trong việc nâng cao đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế địa phương”, ông Tịnh nói.
THIÊN DUYÊN