Năm 2024, dọc hai bờ sông Hàn thơ mộng sẽ là nơi diễn ra 55 hoạt động văn hóa - lễ hội định kỳ và thường niên, do các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức. So với năm 2023, năm nay xuất hiện khá nhiều hoạt động mới lạ, có tính đột phá, bám sát với nhu cầu, thị hiếu của người dân và du khách.
Năm 2024, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bờ sông Hàn theo tiêu chí mới lạ, hấp dẫn, bám sát với nhu cầu, thị hiếu của người dân và du khách. Ảnh: X.D |
Nhiều hoạt động mới
Theo danh mục các hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn vừa được UBND thành phố thống nhất, năm nay, Đà Nẵng có 19 hoạt động định kỳ và 36 hoạt động thường niên, như: vũ hội đường phố, hô hát bài chòi, ảo thuật đường phố, chương trình âm nhạc và cuộc sống, giai điệu cuối tuần, tuồng xuống phố… do các cơ quan, đơn vị ngành văn hóa, hội đoàn thể trên địa bàn thực hiện. Bên cạnh các hoạt động quen thuộc, đã trở thành thương hiệu bên sông Hàn, năm nay thành phố đưa vào danh mục nhiều hoạt động mới như: chương trình random dance kpop, hòa tấu nhạc cụ, thư viện lưu động, chiếu phim ngoài trời và các hoạt động tương tác. Bên cạnh đó, các hoạt động được thành phố sắp xếp đều các tuần, tháng trong năm, phù hợp thời tiết các mùa và bảo đảm mỗi tuần đều có chương trình, sự kiện để người dân, du khách tham gia.
Địa điểm cho hoạt động cũng được bố trí đều khắp hai bên bờ sông, hạn chế những địa điểm thường xuyên tổ chức, nhằm tránh sự chồng chéo và quá tải ở một số khu vực như hiện nay. Chị Ngô Thị Mỹ Trúc ( quận Sơn Trà) chia sẻ: “Ra hai bờ sông Hàn dạo mát, xem hoạt động văn hóa, văn nghệ là thói quen của gia đình tôi vào dịp cuối tuần. Chúng tôi hy vọng năm nay, trước mắt là Tết này, thành phố sẽ có các hoạt động trình diễn nghệ thuật mới lạ, có tính tương tác để mỗi người đều có thể tham gia”.
Một điểm đáng chú ý trong năm nay là chương trình âm nhạc đường phố. Những năm qua, chương trình này vẫn thường được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và nhóm nghệ sĩ Đà Nẵng tại bờ tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Tuy nhiên, năm nay, dọc bờ sông Hàn có thêm hai chương trình âm nhạc đường phố mới, do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Hải Châu thực hiện. Đặc biệt, dự kiến vào dịp hè (tháng 6-8), một hoạt động mới cho trẻ em mang tên “Sân chơi cho thiếu nhi”, lần đầu tiên được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tổ chức tại bờ sông Hàn.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Nguyễn Cường cho biết, sân chơi thiếu nhi dự kiến được tổ chức trong 3 số, mỗi tháng 1 số với chủ đề và địa điểm khác nhau. Trong đó, số đầu tiên biểu diễn hòa tấu nhạc cụ, hát múa tại bờ tây cầu Rồng; số thứ hai nhảy hiện đại, khiêu vũ, flashmod tại vỉa hè đường Như Nguyệt; số thứ ba trình diễn thời trang, áo dài và các loại hình nghệ thuật tại đường Bình Minh 6 - Bạch Đằng nối dài. “Bên cạnh việc ra mắt hoạt động mới, trung tâm cũng chủ trương làm mới, nâng cấp các hoạt động cũ để làm phong phú thêm món ăn tinh thần của người dân, du khách”, ông Cường chia sẻ.
Nhiều hoạt động nghệ thuật, triển lãm, ngày hội sẽ được tổ chức tại Công viên APEC trong năm 2024. Ảnh: X.D |
Hình thành sản phẩm văn hóa đặc sắc
Ngoài các hoạt động do đơn vị cấp thành phố tổ chức, hai quận Hải Châu và Sơn Trà cũng đóng góp nhiều nhiều hoạt động hấp dẫn trong trục sự kiện văn hóa - lễ hội hai bờ sông Hàn.
Trong số 55 hoạt động theo danh mục, có đến gần 20 hoạt động do quận Hải Châu tổ chức. Nhìn chung, các hoạt động quận Hải Châu tổ chức trong năm nay khá đa dạng, phong phú và có nhiều điểm mới.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu Trần Văn Mạnh cho biết, các hoạt động văn hóa - lễ hội bên bờ sông Hàn năm nay được đơn vị xây dựng làm tiền đề hình thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của phố đi bộ Bạch Đằng. Trong đó, đơn vị tập trung thực hiện các hoạt động mới, điểm nhấn tại hai địa điểm chính: Công viên APEC và sàn cảnh quan vòng bán nguyệt. Song song đó, quận duy trì, tăng quy mô những chương trình văn hóa gắn với thương hiệu của địa phương, gây được tiếng vang qua các năm để phục vụ nhu của người dân, du khách.
“Năm nay, đơn vị đẩy mạnh phối hợp các tổ chức, đơn vị, CLB để tạo sự đa dạng về thể loại hoạt động, phát huy công năng không gian, thiết chế văn hóa bên sông Hàn. Ngoài các hoạt động nằm trong danh mục, quận cũng tổ chức thêm các sự kiện vào các dịp lễ, Tết, góp phần tạo thêm không khí sôi động, quảng bá hình ảnh địa phương”, ông Mạnh chia sẻ.
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả các hoạt động, UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao làm cơ quan thường trực, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan trong triển khai những sự kiện văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2024.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện hoạt động hai bờ sông Hàn chủ động khảo sát nhu cầu, thị hiếu người dân và du khách để xây dựng các hoạt động văn hóa, lễ hội chất lượng. Cùng với đó, đầu tư, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động cả về nội dung và hình thức, bảo đảm có sự đột phá, mới lạ, thu hút người dân và du khách; tăng tính tương tác với khán giả bảo đảm hiệu quả tổ chức, tiến tới hình thành sản phẩm văn hóa đặc sắc hai bên bờ sông Hàn.
“Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đưa thêm một số hoạt động mới vào danh mục để tạo sự đa dạng cho trục sự kiện văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn; xây dựng các liên hoan nghệ thuật nhân các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước. Đồng thời, kết nối, phối hợp các doanh nghiệp tổ chức sự kiện tư nhân xã hội hóa một số hoạt động, nhằm bảo đảm tính lâu dài, có nguồn lực đầu tư xây dựng, tổ chức các chương trình chuyên nghiệp hơn”, bà An cho hay.
X.DŨNG