Nỗ lực xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch hàng đầu khu vực và thế giới

.

Thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đã có sự phát triển ấn tượng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Có được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm và quá trình nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố để xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch hàng đầu khu vực và thế giới. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh xung quanh vấn đề này.

Trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố tập trung triển khai các định hướng lớn, phát triển theo hướng du lịch bền vững. Trong ảnh: Hoạt động phục vụ du lịch diễn ra tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ
Trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố tập trung triển khai các định hướng lớn, phát triển theo hướng du lịch bền vững. TRONG ẢNH: Hoạt động phục vụ du lịch diễn ra tại Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

* Du lịch Đà Nẵng đang ngày càng khẳng định vị thế tại các thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Ngành du lịch Đà Nẵng đã làm gì để có được kết quả trên, thưa bà?

- Như chúng ta biết, Trung ương ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Đây là những văn kiện có tính định hướng quan trọng và lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để thành phố phát triển, nhất là giai đoạn 2021-2030. Thành phố quan tâm quy hoạch định hướng phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng thông qua chiến lược quy hoạch, định hướng phát triển, các chương trình, kế hoạch, đề án tạo sản phẩm du lịch mới được thành phố phê duyệt triển khai.

Đồng thời, du lịch Đà Nẵng được đặt nền móng vững chắc với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao, trong đó đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Vin Group, Mikazuki, BRG Group, Sovico Holdings... cùng sự có mặt của nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế hàng đầu thế giới như InterContinental, Hyatt, Sheraton, Marriotte, Pullman, Novotel, Mercure, Hilton… Thành phố đặc biệt ưu tiên nguồn vốn đầu tư công và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch với việc hoàn chỉnh hạ tầng hiện đại, hệ thống đường giao thông, tiện ích công cộng, nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (3.500 tỷ đồng), các công viên, vườn dạo, cải tạo cảng Sông Hàn thành cảng đón khách du lịch…

Hệ thống cơ sở vật chất và hậu cần phục vụ du lịch phát triển mạnh, tính đến tháng 12-2023, trên địa bàn thành phố có 16 khu, điểm du lịch, tăng 9 khu, điểm so với năm 2010; 1.285 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 46.000 phòng, tăng 1.104 cơ sở và hơn 40.000 phòng so với năm 2010; hơn 1.500 xe vận chuyển cấp phù hiệu du lịch; 25 tàu du lịch với tổng sức chứa hơn 2.300 chỗ, hơn 7.000 cơ sở dịch vụ phục vụ ẩm thực… Thành phố có 5.678 hướng dẫn viên, tăng 163 hướng dẫn viên so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 1.691 hướng dẫn viên nội địa và 3.987 hướng dẫn viên quốc tế; 525 đơn vị kinh doanh lữ hành (117 công ty lữ hành nội địa, 316 công ty lữ hành quốc tế, 52 chi nhánh lữ hành quốc tế, 25 văn phòng đại diện, 10 đại lý du lịch, 5 văn phòng đại diện nước ngoài).

Hoạt động du lịch khai thác chủ yếu qua đường hàng không, đường biển và đường bộ, trong đó đường hàng không chiếm tỷ trọng lớn với tổng số 36 đường bay đến Đà Nẵng, gồm 7 đường bay nội địa, 29 đường bay quốc tế (16 đường bay trực tiếp thường kỳ và 13 đường bay thuê chuyến), trung bình hằng ngày có 105-115 chuyến bay đến Đà Nẵng, bình quân có 60-65 chuyến nội địa, 45-50 chuyến quốc tế trực tiếp. Những kết quả này thực sự góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo du lịch Đà Nẵng.

Điểm đến này đã hiện diện và khẳng định thương hiệu quốc tế trên bản đồ du lịch thế giới qua số lượng khách du lịch đến thành phố tăng trưởng ấn tượng qua các năm, cùng nhiều giải thưởng và vinh danh: Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á năm 2022 tại Lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA); Top điểm đến được yêu thích nhất châu Á năm 2022 do trang TripAdvisor công bố dựa trên sự bình chọn của du khách khắp nơi trên thế giới (Traveller’s Choice); Top 10 thành phố du lịch tốt nhất Đông Nam Á năm 2022 tại Giải thưởng du lịch Asia’s Best Awards 2022 của tạp chí du lịch nổi tiếng Travel & Leisure (New York, Mỹ); Biển Mỹ Khê được bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á do trang Tripadvisor công bố; Tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Condé Nast Traveller công bố Đà Nẵng lọt vào top 11 điểm đến tốt nhất châu Á vào năm 2024…

* Vậy ngành du lịch thành phố đã đầu tư, phát huy các tiềm năng, thế mạnh như thế nào để thu hút khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế?

- Hiện nay, nguồn lực cho các hoạt động phát triển du lịch được huy động gồm ngân sách của thành phố, của các doanh nghiệp, nhà đầu tư... Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập và công bố Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố vào tháng 5-2020 và đang tiếp tục nghiên cứu hình thành Quỹ tổ chức sự kiện của thành phố. Các sản phẩm du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng có chiều sâu, bảo đảm chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách, khẳng định vị thế của du lịch Đà Nẵng. Thành phố tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo các nhóm: sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ trên cơ sở tài nguyên, tiềm năng, vị trí địa hình và lợi thế của Đà Nẵng, định hướng chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng đến đạt chuẩn “chất lượng cao” ở tất cả các loại hình sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố, ưu tiên phát triển dòng sản phẩm, dịch vụ cao cấp, hình thành trung tâm tổ chức sự kiện, hội nghị quốc tế.

Đến nay, Đà Nẵng đã hình thành 10 nhóm sản phẩm du lịch đang thực sự thu hút khách, đó là: du lịch lễ hội/sự kiện; du lịch văn hóa - lịch sử, vui chơi giải trí; du lịch biển gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch ban đêm; du lịch đường thủy; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp; du lịch MICE; du lịch Golf; du lịch cưới và du lịch ẩm thực. Để thu hút khách, hoạt động truyền thông quảng bá điểm đến, xúc tiến khai thác thị trường, xúc tiến đường bay rất được thành phố quan tâm, liên tục được đổi mới, được thực hiện chuyên nghiệp, sáng tạo bằng nhiều hình thức và nội dung, kết hợp cập nhật thị hiếu du khách, xu hướng du lịch toàn cầu (truyền thông trên nền tảng trực tuyến, mạng xã hội, báo chí trong nước và quốc tế, người nổi tiếng, kết hợp với các sự kiện xúc tiến thị trường nội địa và quốc tế, chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến đường bay, đường biển, liên kết vùng, hợp tác quốc tế…).

* Để khẳng định vị thế của điểm đến Đà Nẵng, định hướng hoạt động du lịch thành phố trong thời gian tới là gì?

- Định hướng phát triển du lịch thành phố tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Do đó, để đạt được mục tiêu trên, du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được; đồng thời tập trung triển khai các định hướng lớn: phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng; triển khai định hướng phát triển du lịch theo 10 không gian du lịch chức năng: ven bờ đông, vịnh Đà Nẵng, đô thị trung tâm, sườn đồi và đô thị phi thuế quan thông minh, “đô thị sân bay” và cảng biển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng phía đông, sinh thái phía tây, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch gắn với đổi mới sáng tạo.

Thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm/dịch vụ. Qua đó tập trung phát triển hình thành 3 nhóm sản phẩm: du lịch đặc thù (du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi giải trí và du lịch MICE, du lịch golf; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái); sản phẩm du lịch chính (du lịch ban đêm; du lịch thủy nội địa; du lịch ẩm thực; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn) và sản phẩm du lịch bổ trợ (y tế và chăm sóc sức khỏe; cưới; giáo dục). Ngành sẽ nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch để khai thác hiệu quả thị trường nội địa và quốc tế; mở rộng quy mô ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý và khai thác du lịch; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ; liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch; bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, xanh - sạch - đẹp và triển khai các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh...

* Xin cảm ơn.

THU HÀ (Thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.