Bảo tồn và phát huy di sản nghề làm bánh tráng Túy Loan

.

Nghề thủ công truyền thống làm bánh tráng Túy Loan có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với tiến trình mở cõi về phương nam của dân tộc và được người dân Túy Loan, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) gìn giữ, trao truyền qua bao thế hệ. Thương hiệu bánh tráng Túy Loan không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn mang bản sắc văn hóa của người dân Hòa Vang nói riêng, Đà Nẵng nói chung.

Nghệ nhân Đặng Thị Túy Phong (85 tuổi) trình diễn tráng bánh tráng Túy Loan. Ảnh: X.D
Nghệ nhân Đặng Thị Túy Phong (85 tuổi) trình diễn tráng bánh tráng Túy Loan. Ảnh: X.D

Với những giá trị đặc trưng riêng có và quý giá của mình,  ngày 21-2-2024, nghề làm bánh tráng Túy Loan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia.

Nghề cha ông để lại, phải quyết tâm giữ gìn

Túy Loan là một ngôi làng cổ, có cách đây khoảng 500 năm. Nơi đây, từ lâu đã nổi tiếng với mì Quảng và nghề truyền thống làm bánh tráng - một loại bánh dân dã gắn với cuộc sống của người dân. Các cao niên và nghệ nhân làm bánh tráng Túy Loan hiện nay đều không nắm cụ thể thời gian ra đời của nghề này. Tuy nhiên, họ chắc chắn rằng nghề có từ hàng trăm năm trước, vì một số gia đình đã gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ. Cũng theo họ, trước năm 1975, hầu như nhà nào trong làng cũng có lò tráng bánh Túy Loan, ai cũng biết tráng bánh để ăn, bán, làm quà biếu và dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên vào ngày giỗ kỵ, Tết cổ truyền, lễ hội truyền thống.

Những dịp cận Tết, mọi người trong làng cùng nhau đỏ lửa làm ra những mẻ bánh tráng để phục vụ bà con khắp vùng. Nghệ nhân Trần Thị Luyện (sinh năm 1953, trú thôn Túy Loan Tây) cho biết, gia đình bà đã bốn đời theo nghề làm bánh tráng, bà là đời thứ tư. Bà học nghề từ mẹ của bà, từ nhỏ cũng phụ cha mẹ tráng bánh và kế nghiệp đến nay hơn 60 năm. “Không rõ nghề này có từ bao giờ, nhưng đây là nghề truyền thống mà cha ông để lại mấy đời nay. Vì thế, tôi luôn dặn con cháu phải giữ được nghề này, dù không kinh doanh buôn bán thì cũng phải biết làm để phục vụ nhu cầu gia đình, cúng kiếng ngày Tết”, bà Luyện chia sẻ.

Tương tự, 15 hộ gia đình làm nghề bánh tráng Túy Loan cũng có chung tinh thần quyết tâm giữ nghề. Là một trong những người có thời gian gắn bó với nghề lâu nhất tại làng Túy Loan (hơn 50 năm), nghệ nhân Đặng Thị Túy Phong (sinh năm 1939) cho hay, bánh tráng thì ở đâu cũng có, nhưng bánh tráng Túy Loan được làm hoàn toàn thủ công, có công thức và hương vị đặc trưng riêng. Khi ăn, sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon đặc trưng của gạo, mè, gừng, tỏi, mắm, muối, đường, độ giòn tan rôm rốp của chiếc bánh tráng được nướng trên bếp than hồng. Nay, do tuổi cao sức yếu, bà truyền nghề lại cho con gái với thương hiệu mang tên bà: bánh tráng bà Túy Phong.

“Chưa nói đến truyền thống của làng, nghề này có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi. Xưa kia khó khăn, chính nghề này là phương tiện nuôi sống cả gia đình tôi. Do đó, các thế hệ con cháu của gia đình giờ đây đều rất trân trọng nghề. Thật tự hào, vinh dự khi giờ đây, cái nghề mà gia đình tôi gìn giữ đã được các cấp, ngành quan tâm, ghi danh trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Đây là sự động viên, động lực để các thế hệ kế cận của gia đình, của làng tiếp tục gắn bó với nghề, chung tay phát triển thương hiệu bánh tráng Túy Loan ngày càng nổi tiếng, vươn xa hơn”, bà Phong bày tỏ.

Nâng tầm thương hiệu bánh tráng Túy Loan

Nghề làm bánh tráng Túy Loan được coi là nghề làm lúc nông nhàn để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, vừa kiếm thêm thu nhập của người dân. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đặc biệt ở chỗ, từ khi nghề hình thành và tồn tại đến nay đã gắn liền với văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương. Trong văn hóa ẩm thực của người dân Đà Nẵng, bánh tráng Túy Loan còn là nguyên liệu quan trọng ăn chung với mì Quảng - cũng là một đặc sản nổi tiếng của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Ngô Văn Nhân, việc nghề làm bánh tráng Túy Loan được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia là một tin vui rất lớn, niềm vinh dự cho nhân dân làng Túy Loan nói riêng, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang nói chung. Đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống này, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch địa phương. Để phát huy giá trị di sản này trong những năm tiếp theo, xã tập trung tuyên truyền người dân Túy Loan giữ nghề, lưu giữ công thức. Hỗ trợ phát triển nghề bánh tráng Túy Loan sản xuất thường xuyên, có chất lượng sản phẩm đồng đều, đa dạng về mẫu mã, ổn định thị trường tiêu thụ theo hướng truyền thống và thương mại. Ngoài ra, xây dựng khu trưng bày, trình diễn mô hình sản xuất và bán sản phẩm kết hợp du lịch trải nghiệm tại làng nghề.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, nghề làm bánh tráng Túy Loan nổi tiếng đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Sản phẩm bánh tráng của nghề truyền thống này đóng vai trò quan trọng, gắn với bản sắc văn hóa và hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh tế - xã hội của người dân địa phương. Bảo tồn và phát triển nghề làm bánh tráng Túy Loan truyền thống chính là sự kế thừa và phát huy đội ngũ nghệ nhân cùng những bí quyết nghề nghiệp quý giá, qua đó góp phần bảo tồn những nét độc đáo của bản sắc dân tộc. Mặt khác, sản phẩm bánh tráng có giá trị kinh tế, được khách hàng ưa chuộng, trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là du lịch.

Khác với những loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác như: lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn… di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống phù hợp phát triển du lịch. Đối với nghề làm bánh tráng Túy Loan, du khách không chỉ được xem, được trải nghiệm, mà còn được thực hành, sáng tạo. Điều này sẽ hấp dẫn du khách hơn là chỉ đến và quan sát. “Ngày nay, những giá trị về không gian, lịch sử và văn hóa sẽ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, cuốn hút. Di sản văn hóa phi vật thể nghề làm bánh tráng Túy Loan là tiềm năng, động lực khi các chủ thể phát huy thích hợp với thời buổi kinh tế thị trường ngày nay”, ông Thiện nói.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích