Rằm tháng Giêng hằng năm, những người yêu thơ ca tại Đà Nẵng lại có dịp họp mặt, giao lưu trong đêm thơ Nguyên tiêu, chào mừng ngày thơ Việt Nam. Năm nay, đêm thơ Nguyên tiêu được các đơn vị, địa phương tổ chức rộng rãi trên địa bàn thành phố với nội dung, hình thức đa dạng, góp phần lan tỏa thơ ca đến mọi tầng lớp nhân dân.
Các nghệ sĩ ngâm bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt và bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Quý Mão 2023 do UBND quận Hải Châu tổ chức. Ảnh: X.D |
Cách đây gần một thiên niên kỷ (năm 1077), bên bờ sông Như Nguyệt, danh tướng Lý Thường Kiệt khai sinh một áng thiên cổ hùng văn “Nam quốc sơn hà” (còn gọi là bài thơ Thần), nhằm khích lệ tinh thần quân sĩ, góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của quân dân nhà Lý và đánh tan quân xâm lược nhà Tống. Đến năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã sáng tác bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng Giêng) đầy chữ tình với những cảm hứng hào hùng mà kín đáo.
Chính bài thơ này của Bác đã gợi mở cho Trung ương thống nhất chọn ngày Rằm tháng Giêng hằng năm làm ngày thơ Việt Nam, kể từ năm 2003. Rằm tháng Giêng năm nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các đơn vị phối hợp tổ chức ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tác, quảng bá các tác phẩm của mình đến công chúng. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời khơi gợi cảm hứng sáng tác cho văn nghệ sĩ và người yêu thơ trên địa bàn thành phố.
Thực hiện chỉ đạo này, Hội Nhà văn thành phố phối hợp UBND quận Thanh Khê tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” tại đình làng Thạc Gián tối 23-2 (nhằm ngày 14 tháng Giêng). Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Nguyễn Kim Huy cho biết, trong đêm thơ, các tác giả, nghệ sĩ sẽ ngâm, đọc 6 bài thơ tiêu biểu.
Trong đó, mở màn là bài thơ “Nguyên tiêu” bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tác phẩm của những nhà thơ nổi tiếng trên địa bàn. Các tiết mục ngâm thơ được đệm sáo trúc để lời thơ càng dễ đi vào lòng người. Xen kẽ đó còn có các tiết mục biểu diễn ca khúc được phổ từ những bài thơ của văn nghệ sĩ thành phố, ca ngợi quê hương, đất nước, vẻ đẹp mùa xuân và thành phố. Từ đó, lan tỏa và phát huy tinh thần cao đẹp của thơ ca đến với mọi tầng lớp độc giả.
“Bao đời nay, cuộc sống và tâm hồn người Quảng, người Đà Nẵng luôn gắn bó cùng thơ qua các giai đoạn lịch sử. Có thể nói, thơ chính là tâm hồn, tiếng lòng, ý chí và khát vọng người Đà Nẵng, luôn hướng đến những điều yêu thương, cao cả nhất trong cuộc sống”, nhà thơ Nguyễn Kim Huy chia sẻ.
Phát huy thành công của đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Quý Mão 2023, năm nay, UBND quận Hải Châu tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu vào tối 24-2 tại công viên phường Thanh Bình. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu Trần Văn Mạnh cho biết, đêm thơ năm nay được quận tổ chức với quy mô lớn hơn năm ngoái. Trong đó, ngoài việc giới thiệu các sáng tác mới của các nhà thơ chuyên, không chuyên đến từ các phường trên địa bàn quận, năm nay đêm thơ có sự tham gia của cả những CLB thơ lớn trên trên địa bàn thành phố. Hình thức thể hiện các tiết mục cũng được tổ chức đa dạng hơn với ngâm, đọc và bình thơ.
Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm phản ánh hoặc khai thác tốt nét đặc trưng văn hóa, kiến trúc, con người Hải Châu; các đề tài mà xã hội quan tâm như: bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, tinh thần đại đoàn kết… “Hoạt động nhằm khơi dậy tình yêu thơ ca, giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tạo không khí thi đua, phấn khởi, vui tươi, động viên khích lệ toàn dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, góp phần nâng cao giá trị cuộc sống”, ông Mạnh bày tỏ.
Sau nhiều năm vắng bóng, năm 2024 cũng đánh dấu sự “tái xuất” của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố trong việc tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Nguyễn Cường cho biết, chương trình nghệ thuật đêm thơ - nhạc mừng Tết Nguyên tiêu 2024 chủ đề “Đà Nẵng và thơ” được trung tâm phối hợp UBND quận Sơn Trà, Thư viện Khoa học tổng hợp và các đơn vị tổ chức tối 24-2 tại Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (quận Sơn Trà).
Mở màn đêm thơ là tiết mục trình diễn áo dài truyền thống của 40 người mẫu, tôn lên nét đẹp văn hóa con người của Việt Nam. Tiếp đến, công chúng sẽ được thưởng thức 18 tiết mục của hơn 50 nghệ sĩ, nhạc công và diễn viên đến từ các CLB thơ trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố. Các bài thơ, ca khúc trong chương trình được truyền tải theo các chủ đề, gồm: quá khứ - hiện tại, cuộc sống - tình yêu, gia đình - bạn bè. Ngoài ra, chương trình còn trưng bày sách và thơ về Đà Nẵng, hoạt động viết thư pháp tặng chữ cho người dân trên địa bàn.
“Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn tôn vinh giá trị thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung; lan tỏa và kết nối cộng đồng, tạo sự gắn kết giữa những người yêu thơ ca trên địa bàn thành phố”, ông Cường nhấn mạnh.
KHÔI NGUYÊN