Mang phim ra khỏi rạp

.

Khi muốn xem một bộ phim điện ảnh, khán giả cần tới các rạp chiếu phim và mua vé để xem. Tuy nhiên giờ đây, công chúng tại Đà Nẵng có thể xem một số bộ phim mình quan tâm mà không cần đến rạp, bởi đã có những buổi chiếu ngoài trời kết hợp không gian check-in ven sông Hàn. Hình thức chiếu phim này đã thổi một luồng gió mới cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại thành phố, thu hút rất đông khán giả đến trải nghiệm. 

Người dân xem phim “Thầu Chín ở Xiêm” tại vỉa hè đường Như Nguyệt (quận Hải Châu).  Ảnh: X.D
Người dân xem phim “Thầu Chín ở Xiêm” tại vỉa hè đường Như Nguyệt (quận Hải Châu). Ảnh: X.D

Sân chơi ý nghĩa cho người dân

Chương trình chiếu phim ngoài trời kết hợp không gian check-in lần đầu tiên ra mắt công chúng Đà Nẵng từ tháng 3-2024 với tên gọi Cửa sổ điện ảnh, do rạp Lê Độ (thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố) thực hiện, phục vụ người dân tại vỉa hè đường Như Nguyệt (quận Hải Châu). Đây là hoạt động mới trong chuỗi hoạt động văn hóa, lễ hội hai bên bờ sông Hàn năm 2024 của thành phố. Trong buổi chiếu đầu tiên, diễn ra ngày 23-3 nhằm chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố (29-3-1975 - 29-32-024), rạp Lê Độ đã mang đến khán giả Đà Nẵng bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” - bộ phim cách mạng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thu hút hàng nghìn người dân, du khách tới thưởng thức.

Đến xem phim cùng bạn bè, Nguyễn Thị Quỳnh Giao (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Xem phim ngoài trời, lại còn ngay bờ sông Hàn thơ mộng mang đến cho em một trải nghiệm thú vị, khác rất nhiều so với xem phim tại rạp. Chiếu phim ngoài trời có thể không bảo đảm về chất lượng hình ảnh, âm thanh, song lại mang đến không khí khá vui tươi, không yên ắng, ngột ngạt như trong rạp. Quan trọng hơn, bộ phim “Thầu Chín ở Xiêm” được chọn chiếu rất hay và ý nghĩa, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, thêm tự hào về Bác Hồ”.

Tại không gian chiếu phim ngoài trời, ban tổ chức dàn dựng các tiểu cảnh check-in nhiều màu sắc. Trong đó, điểm nhấn là các ô cửa sổ được những họa sĩ Đà Nẵng kỳ công thực hiện, tạo ra không gian “sống ảo” độc đáo cho người dân và du khách. Cùng gia đình đến trải nghiệm, chị Hoàng Thu Hiền (47 tuổi, quận Hải Châu) cho biết, gia đình chị thường xuyên ra vỉa hè đường Bạch Đằng, Như Nguyệt vào dịp cuối tuần để vui chơi, dạo mát. Biết thành phố tổ chức chương trình Cửa sổ điện ảnh, cả gia đình chị đã đến để vui chơi và trải nghiệm xem phim ngoài trời, cho các con hiểu thêm về quê hương, đất nước, biết quý trọng thành quả độc lập hôm nay qua phim tài liệu lịch sử.

“Ngoài trẻ con, nhiều người lớn đến đây xem phim, trong đó có tôi cũng không khỏi xúc động khi được sống lại ký ức thời thơ ấu, đất nước còn khó khăn, cả làng tập trung đi xem chiếu bóng. Trải qua vài chục năm, điều kiện sống tốt hơn nên hiếm khi thấy cảnh chiếu phim ngoài trời như vậy. Đây là hoạt động rất hay, vì thế mong thành phố duy trì tổ chức thường xuyên hơn, tần suất khoảng 1 lần/tháng để người dân có thêm sân chơi ý nghĩa, bổ ích”.

Trở thành điểm hẹn điện ảnh

Thành công của chương trình chiếu phim ngoài trời tại Đà Nẵng được nhiều đơn vị, địa phương trong và ngoài thành phố học tập, áp dụng. Trong đó, phải kể đến mô hình Công viên điện ảnh tại công viên bờ đông sông Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), triển khai từ ngày 7 đến 12-4. Hay ở ngay tại thành phố, quận Hải Châu cũng phối hợp Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng tổ chức Tháng công chiếu phim tư liệu lịch sử, diễn ra vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, từ ngày 25-3 đến 7-5 tại 5 điểm: công viên phường Hòa Cường Nam, công viên phường Hòa Thuận Tây, công viên phường Nam Dương, công viên phường Thanh Bình và công viên phường Thuận Phước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng cho biết, trong tháng chiếu phim, UBND quận chiếu 6 thước phim tư liệu chiếu rạp phục vụ nhân dân trên hệ thống màn hình LED khổ rộng. Đồng thời, chiếu một số phim tư liệu về thành phố, điển hình như phim: “Buổi đầu đánh Mỹ”, “Người Đà Nẵng trong Dinh Độc Lập”, “B1 Hồng Phước”. “Chúng tôi mong rằng, hoạt động này sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước”, ông Dũng bày tỏ.

Theo Trưởng phòng Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố, kiêm quản lý rạp Lê Độ Vương Chí Thanh, thực ra, việc mang phim ra khỏi rạp đã được đơn vị tổ chức từ nhiều năm nay với hoạt động chiếu phim lưu động phục vụ các địa phương. Tuy nhiên, với chương trình Cửa sổ điện ảnh, hoạt động được nâng tầm và thay đổi hình thức, nội dung dung tổ chức, thực tế đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực. Sau thành công của chương trình Cửa sổ điện ảnh số đầu tiên, đơn vị tiếp tục tổ chức số thứ 2 trong ngày 27 và 28-4 nhằm chào mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).

Các phim được chọn chiếu trong đợt này gồm: “Ký ức Điện Biên” tối 27-4 và “Giải phóng Sài Gòn” tối 28-4. Đây là những phim tài liệu xuất sắc về Chiến dịch Hồ Chí Minh và tình yêu đôi lứa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài các phim này, ban tổ chức còn chiếu bổ sung thêm phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi trong mỗi buổi chiếu. “Từ hiệu ứng mà chương trình mang lại, hy vọng hoạt động sẽ nhận được sự chung tay, đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp để làm phong phú thêm những hoạt động đi kèm, làm mới tiểu cảnh check-in cho người dân. Từ đó, đưa chương trình trở thành điểm hẹn điện ảnh, sân chơi định kỳ cho người dân và du khách đến thành phố”, ông Thanh chia sẻ.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.