Gắn bảo tồn văn hóa Cơ tu với phát triển du lịch

.

Đồng bào Cơ tu (huyện Hòa Vang) không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của dân tộc mình. Những giá trị văn hóa Cơ tu dưới sự chung tay bảo tồn, phát huy của các cấp, ngành, địa phương ngày càng giàu mạnh, lan tỏa và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.

Người dân Cơ tu trình diễn điệu múa tung tung-za zá tại không gian sinh hoạt nhà Gươl. Ảnh: X.D
Người dân Cơ tu trình diễn điệu múa tung tung-za zá tại không gian sinh hoạt nhà Gươl. Ảnh: X.D

Phát huy bản sắc văn hóa

Đà Nẵng hiện có khoảng 1.500 người dân tộc Cơ tu sinh sống chủ yếu tại thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) thuộc huyện Hòa Vang. Đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống qua nhiều thế hệ, có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó. Đặc biệt, nơi đây có thể được xem là một “bảo tàng sống” với tầng tầng lớp lớp giá trị văn hóa đặc sắc, từ ngôn ngữ, trang phục, đến nhà ở, lễ hội, nghề truyền thống.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho rằng, văn hóa người Cơ tu hiện đang tiếp nhận những yếu tố mới để làm giàu văn hóa của mình, loại bỏ dần những yếu tố không còn phù hợp. Bên cạnh những mặt đạt được cũng phải nhìn nhận nguy cơ thất truyền, mai một của các loại hình di sản văn hóa, phong tục, lễ hội trước áp lực của sự phát triển, hội nhập đang là thách thức lớn. Già làng và những nghệ nhân là chủ thể trong công tác bảo tồn văn hóa Cơ tu, có vai trò nòng cốt để truyền đạt, nhắc nhở đến người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của nhà nước. “Những năm qua, việc bảo tồn văn hóa cộng đồng người Cơ tu của huyện Hòa Vang nhờ vào đối tượng này là chính. Đây là những người trực tiếp trao truyền văn hóa cho thế hệ sau trong chương trình bảo tồn văn hóa”, ông Tân thông tin.

Để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, cộng đồng người Cơ tu Đà Nẵng cùng chính quyền nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa - thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi để làm giàu vốn văn hóa của mình. Cuối tháng 4-2023, UBND huyện Hòa Vang tổ chức liên hoan văn hóa - thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu. Tại đây, người dân và du khách được thưởng thức những điệu múa tung tung-za zá, màn trình diễn cồng chiêng đầy âm hưởng của núi rừng; nghi thức kết nghĩa độc đáo, giúp đồng bào củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết của cộng đồng mình.

Cuối năm 2023, đồng bào Cơ tu Đà Nẵng vinh dự đại diện cho dân tộc Cơ tu ở miền Trung tham gia ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Chị Bùi Thị Hạnh, Phó Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc) cho biết, đến với ngày hội, đoàn Đà Nẵng được tham gia hoạt động, từ trình diễn văn nghệ, trang phục truyền thống, cây nêu, đến trưng bày, giới thiệu ẩm thực...Thông qua những hoạt động này, bà con được học hỏi, rút ra nhiều kinh nghiệm để áp dụng trong phát triển văn hóa gắn với du lịch ở địa phương.

Khai thác các giá trị đặc trưng

Để vừa phát triển du lịch, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, từ năm 2023, huyện Hòa Vang đã triển khai đào tạo, nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng cho người dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào nội dung dạy kỹ năng kể chuyện nguồn gốc văn hóa Cơ tu cho đối tượng là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, chủ các homestay tại Tà Lang, Giàn Bí. Bên cạnh đó, còn có những lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, các điệu lý, điệu múa dân tộc Cơ tu, thu hút nhiều bà con tham dự.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng, những năm qua, huyện luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ tu trên địa bàn. Những điệu múa, lời hát của người Cơ tu luôn được bà con gìn giữ, trình diễn vào dịp Tết cổ truyền, lễ mừng lúa mới, kết nghĩa ăn thề. Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu đang được khôi phục dần với những sản phẩm chất lượng. “Cộng đồng người Cơ tu đóng vai trò là chủ thể trong hoạt động bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, bà con luôn nêu cao ý thức tự tôn dân tộc, nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch của chính cộng đồng mình”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) Lê Thị Thu Trang, năm 2022, UBND thành phố ban hành đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cộng đồng người Cơ tu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030”. Từ đó đến nay, với sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, đời sống văn hóa, ý thức giữ gìn và  phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Cơ tu được nâng cao rõ rệt. Trong đó, sở đã hỗ trợ trang bị nhạc cụ truyền thống; thiết bị tập luyện thể thao cho các thôn vùng đồng bào Cơ tu; tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện nhiệm vụ của đề án vẫn còn thấp, một số nhiệm vụ chưa thực hiện như: mở lớp dạy sử dụng chữ viết quốc ngữ phiên âm tiếng Cơ tu; hỗ trợ trang phục truyền thống cho 100% người Cơ tu; xây dựng các CLB sinh hoạt văn hóa văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Vì thế, thời gian tới, các ngành, địa phương sẽ tập trung hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ, tránh ảnh hưởng đến kết quả chung của đề án, cũng như sự kỳ vọng của nhân dân.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.