Vang mãi giai điệu tri ân các anh hùng, liệt sĩ

.

Tháng 7 gắn liền với ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày cả nước tri ân, tưởng nhớ lớp lớp cha ông đã cống hiến máu xương vì hòa bình, độc lập dân tộc. Đóng góp vào tinh thần chung đó, âm nhạc là một hình thức bày tỏ hiệu quả, lắng đọng, thôi thúc thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng, nỗ lực xây dựng và bảo vệ quê hương.

Âm nhạc của nhạc sĩ Minh Đức luôn có bóng dáng quê hương, đồng đội hiện hữu.  Ảnh: NVCC
Âm nhạc của nhạc sĩ Minh Đức luôn có bóng dáng quê hương, đồng đội hiện hữu. Ảnh: NVCC

Đà Nẵng có nhiều nhạc sĩ chọn đề tài người lính, thương binh - liệt sĩ làm nguồn cảm hứng sáng tác, viết ra những giai điệu tri ân các anh hùng trong tháng năm “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”. Khó có thể kể hết những ca khúc về đề tài này, trong đó có nhiều bài hát do các nhạc sĩ từng là người lính, từng trải qua mưa bom, bão đạn viết nên. Nhạc sĩ Phan Văn Nhi (Hội Âm nhạc thành phố) là một người như vậy, ông từng là người lính tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Do đó, nhạc sĩ luôn dành tình cảm đặc biệt, tâm huyết trong sáng tác những ca khúc về người lính, anh hùng dân tộc. Ca khúc đầu tiên và nổi bật nhất của nhạc sĩ về đề tài này là “Đại tướng mãi là thần tượng của chúng con”, viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả lòng kính trọng, biết ơn và ngưỡng mộ của tác giả. Bài hát có giai điệu chậm, tha thiết, thể hiện nỗi niềm, cái tôi của tác giả nhưng vẫn rất chúng ta, khiến cho người nghe cảm nhận được chính mình trong lời ca, đúng theo câu hát “Người mãi mãi là một tâm hồn vĩ đại/cho con tự hào mình là người Việt Nam”.

Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Phan Văn Nhi còn sáng tác nhiều ca khúc tri ân anh hùng liệt sĩ, người lính trong thời bình, tiêu biểu như: “Gặp lại anh người lính chiến trường K”, “Cuộc đời của cha”, “Thương miền Trung mùa bão lụt”… Nhạc sĩ cho hay, những ca khúc ông sáng tác về đề tài cách mạng, người lính, xuất phát từ sự thấu hiểu, tình cảm đối với những cống hiến, hy sinh, mất mát do chiến tranh gây ra.

Từng ca khúc có một hoàn cảnh ra đời riêng, nhưng phần lớn đều mang tiết tấu chậm rãi, giai điệu da diết, như một câu chuyện kể đầy tình cảm và tự hào. “Những ca khúc của tôi luôn muốn truyền tải thông điệp, đất nước chúng ta hôm nay, có được hòa bình là nhờ những anh hùng, thương binh - liệt sĩ đã không tiếc tuổi thanh xuân, hy sinh cuộc sống riêng tư gia đình để đấu tranh, giành lại độc lập cho dân tộc. Do đó, thế hệ trẻ hôm nay phải luôn biết ơn, trân trọng những sự hy sinh đó để dốc sức xây dựng, bảo vệ tốt quê hương, đất nước, không phụ công lao của những người đã ngã xuống”, nhạc sĩ Phan Văn Nhi chia sẻ.

Nhắc đến những sáng tác về đề tài người lính, thương binh - liệt sĩ, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Minh Đức (Hội Âm nhạc thành phố) với nhiều ca khúc nổi tiếng, được đông đảo khán giả cả nước đón nhận. Cũng từng là người lính, nhạc sĩ Minh Đức - tác giả ca khúc “Thương em chín đợi mười chờ”, tham gia quân giải phóng miền Nam và Đoàn văn công Quảng Nam khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ông cùng đồng đội đi khắp chiến trường để đem lời ca, tiếng hát phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân. Bài hát đầu tay của ông là “Chiến thắng về em hát tặng anh một bài ca”, ra đời trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, mà theo ông nói là mang phong cách “ngông nghênh” của một người yêu nhạc, bắt đầu tập tành sáng tác. Giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Minh Đức là sau năm 1975 với nhiều ca khúc có nội dung phong phú, thể loại đa dạng. Trong đó, về đề tài người lính có những ca khúc tiêu biểu như: “Người chiến sĩ bên bờ biển xanh”, “Về thăm đồng đội”, “Một thời để nhớ”…

Điểm đặc biệt trong sáng tác của nhạc sĩ Minh Đức là giai điệu dung dị, gần gũi và thân thương; lời ca dễ nhớ, dễ hát. Đến nay, khi gần 80 tuổi, người chiến sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ ấy vẫn giữ vững phong cách ấy, đến nỗi đồng nghiệp nhận xét rằng ông “nghiêm khắc đến khắt khe”. Nhạc sĩ Minh Đức cho rằng, không có một nhạc sĩ nào có thể kể hết sự hy sinh lớn lao của những người lính, thanh niên xung phong, kể cả nhân dân cả nước, trong đó có Quảng Nam - Đà Nẵng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Những năm tháng không quên ấy sẽ luôn là chất liệu cho các nhạc sĩ, nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật vô tận cho các lớp nghệ sĩ sau này. “Tôi từng trải qua những giai đoạn từ chiến tranh khốc liệt, đến không khí hòa bình hân hoan, nên cảm thụ và cảm xúc là chất liệu có thật. Tuy nhiên, những sáng tác về chiến tranh của tôi thường không mang đau thương, xương máu chất chồng, nỗi buồn hậu chiến. Tôi không muốn nhắc đến, vì cuộc đời còn quá nhiều điều để ngợi ca”, nhạc sĩ Minh Đức bày tỏ.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố, mặc dù tuổi cao, nhưng nhạc sĩ Minh Đức và nhạc sĩ Phan Văn Nhi vẫn rất nhiệt tình, tâm huyết với âm nhạc. Những ca khúc của hai nhạc sĩ luôn mang hơi thở của cuộc sống đời thường với những giai điệu mượt mà sâu lắng, những hình ảnh dung dị và đậm chất dân gian đất Quảng. Đặc biệt, hai nhạc sĩ đều từng đi qua chiến tranh nên thấu hiểu được giá trị của hòa bình, những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc. Vì vậy, những hồi ức, ký ức đẹp về quê hương, đồng đội luôn hiện hữu trong các ca khúc của hai nhạc sĩ.

K.NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.