Di tích văn hóa, lịch sử Hòa Vang: Biểu tượng văn hóa cộng đồng làng Thái Lai

.

Như bất cứ ngôi đình làng nào khác của dân tộc Việt, đình Thái Lai là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng dân làng địa phương. Đó là nơi hội tụ và phản chiếu những sắc thái, những giá trị văn hóa cổ truyền của người dân Thái Lai.

Bức hoành phi “Chính nghị minh đạo” được lưu giữ tại đình Thái Lai. Ảnh: Đ.G.H
Bức hoành phi “Chính nghị minh đạo” được lưu giữ tại đình Thái Lai. Ảnh: Đ.G.H

Đình Thái Lai nằm ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Đình được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố theo Quyết định số 9569/QĐ-UBND ngày 22-12-2009.

Thái Lai từ thuở mới khai hoang là vùng đất hoang nhiều đồng trũng, đầm hồ sình lầy xen lẫn giữa các gò đồi. Đặc điểm địa hình này được phản ánh rất rõ trong các địa danh trong làng như bàu Trai, bàu Séo, khe Ngang, gò Ông Siêu, Cẩm Nhỏ, đồng Dông, đồng Mẫu. Bàu Trai cũng chính là tên của làng tồn tại hàng mấy chục trăm năm, đến đầu thời  Gia Long (1802-1820) của triều Nguyễn, tên làng mới được đổi thành Thái Lai, phản ánh ước vọng một cuộc sống an bình, tốt đẹp “hòa cốc phong đăng” của nhân dân.

Tương truyền đình Thái Lai được dựng lần đầu tiên vào khoảng đầu đời Gia Long triều Nguyễn, tại xóm Ngoài của làng. Lúc bấy giờ, đình có quy mô nhỏ, vật liệu xây dựng chủ yếu được tận dụng tại chỗ có sức bền thấp, kiến trúc đơn giản. Bởi vậy, đến năm Mậu Thân, Tự Đức thứ 1 (1848), cùng với đời sống nhân dân có phần tiến triển và trước yêu cầu cần có một ngôi đình mới thay thế cho ngôi đình cũ đã bị hư hại, dân làng Thái Lai đã đóng góp dựng lại ngôi đình mới với kết cấu khung gỗ, mái ngói. Đồng thời vị trí xây dựng cũng thay đổi. Đình mới được dựng tại xóm Gò ở vào giữa trung tâm làng, cũng chính là vị trí hiện nay. Đầu năm Đinh Mùi, Thành Thái thứ 19 (1907), dân làng lại dựng lại ngôi đình mới bằng gỗ mít trên nền đất cũ, theo lối 3 gian 2 chái. Ngoài ra còn xây thêm phần hậu tẩm nối liền vào chính điện ở phía sau gian giữa; xây các miếu Thần Nông, Sơn Thần, Bạch Hổ ở hai bên tả, hữu phía trước chính điện.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), bom đạn đã bắn phá vào khu vực đình Thái Lai làm đổ nát hoàn toàn các ngôi miếu thờ và hậu tẩm, hư hại nhiều cấu kiện gỗ trong chính điện. Năm Kỷ Hợi (1959) mặc dù Thái Lai cũng như các làng xã ở miền Nam Việt Nam bị xâm lược nhưng dân làng đã đồng lòng tu sửa lại ngôi đình để tế tự thần linh. Từ đó cho đến nay, kết cấu, kiểu thức kiến trúc của đình Thái Lai cơ bản không có gì thay đổi. Bên cạnh đó, người dân không ngừng tôn trí lại cảnh quan, bày biện, trang trí thêm các đồ tế tự, các bàn thờ, sửa chữa lại phần mái… làm cho ngôi đình ngày một khang trang.

Hằng năm, dân làng Thái Lai đều tổ chức việc cúng tế thần linh, sinh hoạt hội hè tại đình làng như lễ cúng Minh niên, lễ tế Thiên Y Ana, lễ tế bổn xứ đương cảnh Thành Hoàng, lễ tế Cao Các đại vương và lễ hội Kỳ An - Tế Xuân, lễ  tế Thu… Trong những ngày lễ nói trên, quy mô nhất là lễ ngày 10 tháng 3 (Âm lịch).

Đây thực sự là một kỳ lễ hội trong năm của dân làng. Vào dịp này, ngoài các nghi thức tế tự trang nghiêm, còn có các hoạt động vui chơi giải trí giành cho toàn thể dân làng với những hình thức phong phú, đa dạng. Thông qua các hoạt động về nghi lễ, các sinh hoạt hội hè, các trò chơi, diễn xướng dân gian đa dạng đã góp phần bồi bổ tình cảm thẩm mỹ biết tôn trọng các thế hệ tiền nhân có công đức với làng, với nước, gắn kết tình cảm cộng đồng bền chặt, sống có tình làng nghĩa xóm, hướng thiện và tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc trong tương lai.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.