Giữ gìn thanh âm nhạc cụ dân tộc

.

Bài chòi là sản phẩm văn hóa độc đáo, lâu đời và rất gần gũi với người dân duyên hải nam Trung Bộ. Qua thời gian, các nghệ sĩ, nhạc công bài chòi ngày càng lớn tuổi, nhưng lại không có lớp kế cận, bởi giới trẻ ít quan tâm đến nhạc cụ dân tộc. Vì vậy, mở lớp đào tạo, hình thành thế hệ nhạc công trẻ cho loại hình nghệ thuật này là rất cấp thiết, góp phần bảo tồn và phát huy đặc sắc văn hóa vùng miền.

Các nhạc công hòa tấu nhạc cụ dân tộc đệm hát bài chòi. Ảnh: X.D
Các nhạc công hòa tấu nhạc cụ dân tộc đệm hát bài chòi. Ảnh: X.D

Đứng trước tình hình trên, ngành văn hóa Đà Nẵng đặc biệt quan tâm và chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố mở lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc đệm hát bài chòi. Lớp đầu tiên diễn ra từ cuối tháng 9 đến tháng 12-2024 với sự tham gia của hơn 50 người là hạt nhân văn nghệ, đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố. Trong thời gian này, các học viên được các nghệ sĩ, nghệ nhân có tên tuổi tại Quảng Nam - Đà Nẵng hướng dẫn chơi 3 loại nhạc cụ: đàn bầu, đàn nhị và guitar phím lõm.

Theo Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố, mục đích của lớp là giúp những cá nhân có đam mê, năng khiếu tiếp cận một cách bài bản và cụ thể, hiểu rõ cách diễn tấu các nhạc cụ khi đệm hát bài chòi. Tùy vào khả năng, trình độ hiểu biết nhạc lý của từng người, lớp sẽ đi từ cơ bản đến nâng cao, bảo đảm các học viên đều nắm vững các nhịp, cách chạy ngón, xử lý khi đệm bài chòi. Phấn đấu sau khi kết thúc khóa học, các học viên đều có thể vận dụng, đệm được những làn điệu dân ca, điệu lý quen thuộc với người dân miền Trung.

Tham gia khóa học, Nguyễn Kim Hoàng Đạt, sinh viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Đà Nẵng chia sẻ, em thích nhạc cụ dân tộc bởi âm thanh độc đáo, trong trẻo, không thể lẫn với những nhạc cụ hiện đại. Tuy nhiên, lâu nay em vẫn chưa thể tiếp cận với nhạc cụ dân tộc vì ít thầy dạy cũng như khó học. Nay biết được có lớp này, em đăng ký đi học với hy vọng có thể ít nhất chơi được 1 loại nhạc cụ dân tộc, thỏa niềm đam mê của mình.

Khác với Đạt, cô Lê Thị Phương Thảo, giáo viên âm nhạc tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) đăng ký theo học với mục đích làm giàu thêm kinh nghiệm, kỹ năng của mình trong công tác giảng dạy. Theo cô Thảo, nhạc cụ dân tộc hiện không được phổ biến như các loại nhạc cụ hiện đại, nhưng phải khẳng định rằng, giá trị của các loại nhạc cụ dân tộc trong tổng thể văn hóa dân gian Việt Nam là vô cùng to lớn. Thế hệ trẻ hôm nay có thể sau này không theo ngành nghề về âm nhạc, nhưng cũng nên biết quê hương mình có những loại nhạc cụ như thế.

“Tôi theo học đàn bầu để về hướng dẫn, dạy lại cho học sinh của mình. Mong rằng qua đó sẽ góp phần khơi dậy tình yêu, sự quý trọng, tinh thần giữ gìn âm vang nhạc cụ dân tộc trong thế hệ trẻ hiện nay”, cô Thảo chia sẻ.

Việc Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc đệm hát bài chòi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nghệ nhân, nhạc công trong và ngoài thành phố. Có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật bài chòi và được mời tham gia giảng dạy lớp đàn bầu, đàn nhị, nhạc công Nguyễn Tình, Đoàn ca kịch Quảng Nam chia sẻ, thời buổi kinh tế thị trường, nhạc công nhạc cụ dân tộc không được ưa chuộng bởi thời gian học nghề lâu lại ít đất diễn. Bởi vậy, nhạc công nhạc cụ dân tộc nói chung, nhạc công cho bài chòi nói riêng hiện đang thiếu trầm trọng. Mặt khác, khán giả nghệ thuật truyền thống ngày càng ít đi, khiến nghệ thuật bài chòi, dù đã được vinh dự công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng cũng đang dần bị lãng quên trong đời sống.

“Những người đã và đang gắn bó nhạc cụ dân tộc như chúng tôi luôn mong muốn bài chòi được lan tỏa và truyền nối cho thế hệ mai sau. Vì thế, tôi rất xúc động khi Đà Nẵng mở lớp truyền dạy này. Hy vọng qua khóa học, nghệ thuật bài chòi sẽ được phát huy hơn nữa trong đời sống, nhiều bạn trẻ biết đến và chung sức bảo tồn di sản này”, nhạc công Nguyễn Tình bày tỏ.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Nguyễn Cường, bài chòi là nghệ thuật do nhân dân sáng tạo, phục vụ nhân dân và được nhân dân yêu mến, giữ gìn qua hàng trăm năm. Một thành phần không thể thiếu khi diễn xướng bài bòi là những âm thanh từ tiếng gõ song loan, tiếng nhạc đàn nhị, đàn bầu, guitar phím lõm và trống chiến đệm theo. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hát diễn xướng và hòa tấu nhạc cụ dân tộc tạo nên một không gian bình dị, gần gũi với người dân lao động và trở thành nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật này.

“Với trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa, chúng tôi sẽ triển khai tốt khóa học lần này và tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo. Từ đó, bổ sung thêm lực lượng nhạc công vào đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân đệm hát bài chòi tại Đà Nẵng; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật bài chòi trong đời sống hiện nay”, ông Cường nhấn mạnh.

X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.