Nâng cao giá trị nghệ thuật sân khấu

.

Văn học - nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Suốt 15 năm qua, các nghệ sĩ sân khấu tại Đà Nẵng không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra nhiều tác phẩm xuất sắc với giá trị nghệ thuật cao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn vở “Hòn vòng phu”.  Ảnh: X.D
Các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn vở “Hòn vòng phu”. Ảnh: X.D

Trong 15 năm xây dựng và phát triển, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố tích cực tổ chức và thực hiện tốt nhiệm vụ được thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố giao. Các hội viên, từ nghệ sĩ lão làng đến thế hệ trẻ luôn tích cực sáng tác, xây dựng chương trình và tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Trần Ngọc Tuấn cho biết, hội có hơn 80 hội viên, trong đó 5 Nghệ sĩ nhân dân, 20 Nghệ sĩ ưu tú, 1 Nghệ nhân nhân dân và 5 Nghệ nhân ưu tú.

Dù còn nhiều khó khăn, song những người làm nghệ thuật sân khấu tại Đà Nẵng luôn tích cực gạn đục khơi trong, vượt qua mọi thử thách để giữ gìn những giá trị truyền thống, bảo tồn bản sắc của dân tộc. “Chúng tôi luôn nhắc nhở các nghệ sĩ trẻ phải biết nỗ lực cống hiến, bảo tồn những tinh hoa của sân khấu truyền thống, trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài. Đồng thời, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “Văn hóa là hồn cốt dân tộc”; phải xem mình là con tằm, ăn lá nhưng nhả ra cho đời những sợi tơ vàng”, ông Tuấn chia sẻ.

So với nhiều địa phương, lĩnh vực sân khấu tại Đà Nẵng được quan tâm, có lợi thế và hoạt động khá sôi nổi ở cả sân khấu chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Trong mảng sân khấu chuyên nghiệp, đa số hội viên đang hoạt động tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Hằng năm, nhà hát tổ chức hơn 200 buổi diễn phục vụ nhân nhân, xây dựng nhiều chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt, đa dạng hình thức biểu diễn. Đặc biệt, chương trình “Tuồng xuống phố” và đưa nghệ thuật tuồng vào học đường tạo dư luận xã hội rất tốt, được nhiều địa phương học tập.

Năm 2024, nhà hát vui mừng có thêm 1 NSND, đó là NSND Phan Văn Quang. Đây là vinh dự rất lớn đối với cá nhân nghệ sĩ, cũng là sự khích lệ các nghệ sĩ, diễn viên nhà hát tiếp tục nỗ lực, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp sân khấu thành phố. NSND Phan Văn Quang chia sẻ: “Nhà hát đang sở hữu thế hệ nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản, chính quy. Các em đều có tiềm năng và rất nỗ lực. Còn chúng tôi, đến lúc nào đó cũng phải rời ánh đèn sân khấu, nên càng phải nỗ lực truyền dạy như đã từng được các tiền bối dìu dắt ngày xưa. Mục đích là trở thành cầu nối, kết nối mạch nguồn văn hóa tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng chảy mãi qua các thế hệ”.

Mảng sân khấu không chuyên ở thành phố cũng hoạt động khá sôi nổi, chú trọng việc quảng bá, tuyên truyền nghệ thuật hô hát bài chòi. Những năm qua, các hội viên đã nỗ lực, làm sống lại phong trào hát dân ca, bài chòi trong nhân dân, trường học. Các nghệ sĩ như: NSND Từ Minh Hiệp, nghệ sĩ Kim Quyên, Phú Tân, Nguyễn Thị Lệ, đạo diễn Lê Thành, Quang Kỳ… đã sáng tác và dàn dựng nhiều chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt, đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, hội diễn không chuyên của quân đội, công an, hội đoàn thể.

Nghệ sĩ Phú Tân bày tỏ: “Với rất nhiều sự nỗ lực của các nghệ sĩ, di sản bài chòi tại Đà Nẵng ít nhiều đã gây được tiếng vang, nhiều công chúng biết đến. Những buổi diễn tại không gian diễn xướng dân gian đầu cầu Rồng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân, du khách. Đặc biệt, trong các lễ hội đình làng tại Đà Nẵng, bài chòi gần như là hoạt động văn nghệ không thể thiếu, được người dân rất yêu thích, đến xem đông đảo. Đây là nguồn động lực cho các nghệ sĩ, nhạc công bài chòi tiếp tục cố gắng, gắn bó với nghề, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện nay”.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, nghệ thuật sân khấu nói chung có sân khấu truyền thống và hiện đại, tuy nhiên, khoảng 20 năm nay, việc phát triển sân khấu hiện đại tại Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, chủ yếu là sân khấu truyền thống. Xét trên phương diện cả nước, nghệ thuật sân khấu truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn, khó tiếp cận khán giả trẻ.

Trong tình hình chung này, phải khẳng định rằng, sân khấu truyền thống có phần nổi trội so với các địa phương và giữ được thương hiệu của mình. Lực lượng văn nghệ sĩ tại Đà Nẵng có chuyên môn cao và đóng góp rất lớn cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng - di sản phi vật thể quốc gia, và bài chòi - di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng theo ông Tiếng, thời gian tới, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố nên mở rộng giao lưu, kết nối để nâng cấp đội ngũ diễn viên, nhạc công, những người làm công tác nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu; chú trọng công tác bảo tồn phát huy nghệ thuật tuồng và nghệ thuật dân ca bài chòi. Đồng thời, quan tâm hơn đến nội dung biểu diễn, có những trích đoạn tuồng bài bản, lan tỏa giá trị di sản này đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

K.NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
  • Vntat Tin tức xăm hình nghệ thuật, tin tức tattoo mới nhất