Đình Phú Hòa lưu giữ nhiều sắc phong quý

.

Như bao đình khác được các vị tiền hiền, hậu hiền đến vùng đất này lập nghiệp, đình Phú Hòa được dựng lên để thờ cúng các vị thần đã phù hộ, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng và giải quyết các công việc của dân làng. Đình Phú Hòa sau mỗi lần bị hư hỏng do chiến tranh hay thiên tai, dân làng lại chung tay góp sức để tu sửa, nhờ đó đến nay ngôi đình không chỉ bảo tồn những nét cổ kính mà còn lưu giữ nhiều sắc phong quý giá cho thế hệ mai sau.

 Đình Phú Hòa nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Đ.G.H
Đình Phú Hòa nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Đ.G.H

Lần theo dấu tích thời gian, chúng tôi tìm về thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) ghé thăm đình Phú Hòa. Phú Hòa xưa kia là một làng rộng lớn với tổng diện tích tự nhiên 170 ha, chiều dài 1.900m, chiều rộng 1.300m. Ngày nay, làng được chia tách thành hai thôn: Phú Hòa 1 và Phú Hòa 2. Phía đông làng Phú Hòa giáp phường Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ), phía tây giáp sông Túy Loan - Cầu Giăng, phía nam giáp sông Túy Loan - Bồ Bản, phía bắc giáp thôn Thạch Nham, xã Hòa Nhơn. Đình Phú Hòa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố tại Quyết định số 6100/QĐ-UBND vào ngày 12-8-2009.

Theo những người cao tuổi của làng, lúc đầu đình chỉ có 3 họ tộc đến khai canh vùng đất này. Do còn quá ít người nên việc thờ cúng dù vốn được coi trọng nhưng điều kiện để thực hiện khá đơn giản. Ngôi đình lúc đầu được dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII bằng các nguyên liệu sẵn có là tranh, tre, phên nan, nồi hương dùng chỉ là chiếc bát uống nước. Sau đó, đình phải di dời 3 lần nữa.

Lần đầu di dời vào vào năm 1782. Đình được làm bằng gỗ và lợp tranh, có 4 cột, xung quanh che bằng phên nan. Tuy nhiên, do nơi đây là vùng đất trũng, dễ bị ngập lụt vào mùa mưa nên đến năm 1788, đình được dựng lại trên đồi Nổng Lách thuộc Bàu Tây xứ (tức Đồn Cụp bây giờ - cách ngôi đình hiện nay vài trăm mét về phía tây bắc). Nhưng vào năm Gia Long nguyên niên (1802), dân làng lại dời đình về đám đất Cây Bàng thuộc Bàu Đá xứ là vị trí hiện nay. Nơi đây phong cảnh đẹp, lại hợp phong thủy, đi lại thuận tiện.

Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) do điều kiện kinh tế khá hơn nên dân làng đã quyết định xây lại một ngôi đình kiên cố, khang trang hơn. Ngôi đình vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ và cũng đã qua không ít lần trùng tu tôn tạo do những tác động tiêu cực của thời gian và chiến tranh.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Phú Hòa là nơi trú ẩn, hội họp của chi bộ Đảng cơ sở và còn được sử dụng như một giao thông hào và ụ chiến đấu đối với Đồn Cụp gần đó. Đình được xây dựng theo hướng đông - nam với kiểu kiến trúc: tiền đình, hậu tẩm. Ngoài cùng là hai trụ biểu và tường bao quanh sân đình. Qua khỏi hai trụ biểu là bức bình phong hình cuốn thư, mặt đắp nổi hình con hổ.

Trước kia, đình có kiến trúc bốn mái với bộ vì có bốn cột. Năm 1960, do bị hư hỏng nhiều nên dân làng đã tu sửa lại một số bộ phận như: tường hai bên được xây cao thêm phần nhõn. Vào năm 2000, đình lại được xây thêm phần hiên, lợp ngói xi-măng, nền lát gạch hoa, còn lại vẫn giữ những kiến trúc cũ như phần hậu tẩm, tường xây bằng đá, các cột bằng gỗ bàng…

Bên trong đình có bàn thờ hội đồng ở chính giữa, hai bên tả hữu cũng có hai bàn thờ, thờ tiền hiền, tiền thánh. Mái đình lợp ngói âm dương, phần hiên xây thêm sau này lợp ngói xi-măng. Mái đình, mái hậu tẩm cũng được trang trí rồng, phụng, lân… Hằng năm, đình Phú Hòa tổ chức hai lễ chính vào mùa xuân và mùa thu. Lễ tế xuân vào ngày 14 tháng 3 âm lịch là lễ cầu an tống ôn; lễ tế thu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ tổ tiền hiền.

Hiện nay, ngôi đình còn lưu giữ 10 sắc phong. Các sắc phong này có niên đại từ đời vua Tự Đức tới đời vua Khải Định. Đây là các sắc phong cho các vị thần đã phù hộ cho dân làng Phú Hòa nói riêng cũng như đất nước nói chung trong việc bảo vệ quê hương, đất nước và trong đời sống hằng ngày. Các sắc phong còn là những cứ liệu quý trong việc nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa lịch sử thành phố Đà Nẵng.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.