Ngày 21-11, tại Bảo tàng Bình Định, thành phố Quy Nhơn, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia "Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn" và giới thiệu các bảo vật Quốc gia tỉnh.
Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn ở tỉnh Bình Định. |
"Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn" là tác phẩm điêu khắc Champa, có niên đại cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII; cao 1,05 m, dài 1,2 m, lưng rộng nhất 0,6 m; thể hiện giống đực với dạng tượng tròn, chất liệu làm bằng đá sa thạch. Các chi tiết trang trí và tư thế của 2 tượng được tạc giống nhau, 2 chân trước chổng lên, đầu ngẩng cao, mông hơi đẩy từ phía sau, ngực ưỡn thẳng về phía trước, phần bụng sau nằm xuống đất. Do 2 chân trước tạc ngắn và mất cân đối nên nhìn hai bên giống như 2 con sư tử đang nằm. Đây cũng là nét đặc trưng riêng, khác hẳn những tượng sư tử Champa từng được biết tới từ trước đến nay.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công bố Quyết định công nhận bảo vật Quốc gia "Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, nhằm đề cao tầm quan trọng của di sản văn hóa, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa và Thể thao. Bảo vật Quốc gia "Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn" được công nhận là dịp để tỉnh giới thiệu, tôn vinh các di sản văn hóa vật thể với giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt; đồng thời, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của các tổ chức và cá nhân trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử-văn hóa trên vùng đất Bình Định, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tiếp theo.
Theo ông Lâm Hải Giang, đến nay, Bình Định có 150 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng; trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 34 di tích Quốc gia và 114 di tích cấp tỉnh, cùng với hàng nghìn cổ vật đang được Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quang Trung và các tổ chức, cá nhân lưu giữ.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật Quốc gia đang được lưu giữ tại tỉnh, ông Lâm Hải Giang đề nghị, Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về giá trị của các bảo vật này trên phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội. Sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu các bảo vật Quốc gia, các hiện vật quý mà Bảo tàng tỉnh Bình Định và các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ để xác định niên đại, giá trị lịch sử, nghệ thuật. Sở rà soát, nghiên cứu, sưu tầm và lựa chọn các hiện vật tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí để lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia; tính toán đến việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động trưng bày các bảo vật Quốc gia. Đơn vị chức năng phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh phổ thông tham quan, tìm hiểu về các bảo vật Quốc gia; phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành quảng bá, giới thiệu, tổ chức tour đưa du khách đến các địa chỉ đang lưu giữ bảo vật để tham quan, tìm hiểu…
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn ở Bình Định được công nhận Bảo vật quốc gia. |
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, Sở đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh xây dựng hồ sơ hiện vật, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật Quốc gia. Từ năm 2015 - 2024, qua các đợt công nhận bảo vật Quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bình Định vinh dự có 13 bảo vật Quốc gia là những tác phẩm điêu khắc đá Champa. Trong số này, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ 8 bảo vật.
Cả 13 bảo vật Quốc gia trên là những hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, hình thức độc đáo; có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa-lịch sử liên quan đến văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định. Đây không chỉ là tư liệu khoa học quan trọng đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo của dân tộc.
Theo baotintuc.vn