Việc quan tâm thực hiện công tác bảo tồn di tích giúp nhiều đình làng trên địa bàn thành phố được trùng tu và gìn giữ gần như nguyên trạng. Để đình làng thực sự trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của người dân, việc đưa tuồng vào biểu diễn tại các đình làng góp phần tạo điều kiện cho loại nghệ thuật truyền thống đặc sắc này đến gần hơn với công chúng.
Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn chương trình “Văn hóa nghệ thuật tân sắc tuồng” tại đình làng Hòa Mỹ. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Tạo làn gió mới cho đình làng
Nhằm phổ biến loại hình nghệ thuật tuồng, một nhóm sinh viên yêu nghệ thuật tuồng của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng phối hợp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa loại hình nghệ thuật này xuống biểu diễn ở đình làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) thông qua chương trình biểu diễn “Văn hóa nghệ thuật tân sắc tuồng”, thu hút nhiều người dân đến thưởng thức.
Với hơn 30 năm trông coi đình làng, ông Phan Minh Quý, Trưởng hội đồng chư phái tộc làng Hòa Mỹ, cho biết trên địa bàn phường Hòa Minh hiện có 4 đình làng gồm Hòa Mỹ, Hòa Phú, Trung Nghĩa, Phước Lý. Các đình làng luân phiên tổ chức lễ hội làng 4 năm 1 lần. Trong lễ hội đình làng, thỉnh thoảng đình làng có mời Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về biểu diễn cho bà con xem. Tuy nhiên, lễ hội làng 1 năm mới có một lần nên bà con ít có cơ hội xem tuồng.
“Những người cao niên hiểu biết về tuồng thì ngày càng ít dần, trong khi lớp trẻ lại ít có cơ hội tiếp cận văn hóa truyền thống dân tộc. Việc đưa tuồng vào biểu diễn ở đình làng tạo niềm vui cho bà con sau những ngày lao động vất vả. Đặc biệt, kịch bản tuồng mang tính giáo dục cao, qua đó răn dạy con cháu nhớ về ông bà, cội nguồn”, ông Quý chia sẻ.
Không chỉ có người dân làng Hòa Mỹ, nhiều thanh niên trẻ nơi khác cũng tìm đến xem loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này. Nguyễn Phước Quý Ngân, sinh viên lớp PR18301, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng, bày tỏ: “Chương trình này rất ý nghĩa khi cho chúng em được hiểu hơn về nghệ thuật tuồng. Qua việc thưởng thức tác phẩm tuồng “Hòn vọng phu” và xem trình diễn hóa trang nhân vật tuồng đã hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước”. Nói về việc đưa chương trình “Văn hóa nghệ thuật tân sắc tuồng” biểu diễn tại đình làng Hòa Mỹ, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi các bạn trẻ đã đem lòng yêu mến nghệ thuật tuồng. Hơn 300 khán giả trẻ có mặt cổ vũ nhiệt tình cho đêm diễn giúp cho chúng tôi có niềm tin hơn về sự phát triển của loại hình nghệ thuật tuồng trong thời gian tới”.
Hướng đến nhiều đối tượng khán giả
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật tuồng, ngoài việc đưa nghệ thuật tuồng vào diễn tại các đình làng nhân dịp lễ hội, từ năm 2016, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh liên kết nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức chương trình “Đưa tuồng vào học đường” nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn đưa đoàn về diễn tại các vùng nông thôn ở Hòa Vang, các huyện của tỉnh Quảng Nam để lan tỏa tình yêu nghệ thuật tuồng đến với người dân và khán giả trẻ. Ngoài ra, thành phố còn đưa tuồng xuống phố biểu diễn như gìn giữ một nét son đặc sắc trong đời sống hiện đại. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, nhà hát duy trì biểu diễn phục vụ du khách ở Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với chương trình “Con đường di sản”. Trong chương trình này, nhà hát lồng ghép quảng bá tuồng, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách quốc tế, các hãng thông tấn nước ngoài... Từ hiệu ứng của chương trình, các khách sạn ở Đà Nẵng đã kết nối với nhà hát để đưa tuồng vào khách sạn diễn cho du khách xem.
Nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng đang đối diện nhiều khó khăn, nhất là nghệ thuật tuồng đòi hỏi khán giả phải có hiểu biết nhất định về nó, trong khi những người tiếp cận, xem tuồng thường xuyên ngày càng lớn tuổi. Do đó, bên cạnh phục vụ du khách và khán giả tại nhà hát, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cần tiếp cận nhiều đối tượng công chúng, nhất là người dân ở khu dân cư quanh các đình làng và giới trẻ để hình thành hệ khán giả mới, qua đó đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này đến rộng rãi hơn với người dân.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG