Để đổi mới toàn diện, căn bản về giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống cho học sinh. Từ đó, không chỉ tạo sự sinh động, gần gũi trong việc dạy và học, mà còn khơi dậy lòng tự hào, ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử, di sản văn hóa của quê hương trong lứa tuổi học sinh.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) giới thiệu nhân vật lịch sử qua hình thức sân khấu hóa. Ảnh: K.NGUYÊN |
Vui vẻ, hào hứng là cảm xúc của những “du khách học trò” khi tham gia hoạt động trải nghiệm tại cơ sở làm mắm của ông Huỳnh Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) do Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) tổ chức gần đây.
Trong hoạt động này, các em được giới thiệu về cách làm nước mắm truyền thống, những loại mắm quen thuộc có trong bữa ăn hằng ngày của người miền Trung. Thú vị hơn, học sinh còn được tự tay trộn nguyên liệu, làm thành phẩm và mang những hũ mắm do chính tay mình làm ra về làm quà cho gia đình. Hào hứng tham gia các công đoạn lọc mắm, làm mắm tép muối xổi, em Nguyễn Vĩnh Kỳ, lớp 8/2 Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ, đây là chuyến tham quan, học tập rất bổ ích, các em mong muốn được đi lại lần nữa.
“Mắm tép muối xổi là món ăn quen thuộc của gia đình em, nhưng hôm nay em mới biết cách làm và tự tay làm. Đến làng nghề, chúng em được tiếp thu nhiều kiến thức xã hội, lịch sử bổ ích. Nếu có cơ hội, em mong muốn được trải nghiệm thêm các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Đà Nẵng như làm bánh tráng, mỳ Quảng, khô mè”.
Môn học giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục mới đòi hỏi học sinh phải có kiến thức về nhiều mặt như: lịch sử, địa lý, xã hội, làng nghề truyền thống… Do vậy, việc đưa học sinh đi thực tế tại các bảo tàng, di tích, làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất lớn, không chỉ bổ trợ bài học trên lớp, mà còn nâng cao kỹ năng giao tiếp, tăng cường vốn kiến thức xã hội cho học sinh.
Thầy Lê Văn Sức, Tổ trưởng môn Lịch sử Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh đi học tập tại bảo tàng trên địa bàn thành phố, xa hơn nữa là các làng nghề ở Hội An (tỉnh Quảng Nam). Mỗi chuyến đi tham quan, học tập ngoại khóa giúp các em có trải nghiệm thực tế, học tập tốt hơn.
“Thông qua những hoạt động này, nhà trường mong muốn các em sẽ có ý thức bảo tồn, gìn giữ các nghề truyền thống mà cha ông để lại, nhằm đóng góp sức mình vào công cuộc phát triển làng nghề và phát huy những giá trị văn hóa của quê hương”, thầy Sức nói.
Huyện Hòa Vang là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nhất với 35 di tích được xếp hạng, gồm: 6 di tích cấp quốc gia và 29 di tích cấp thành phố. Với lợi thế nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử phong phú này, các trường học trên địa bàn đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, về nguồn, đến với địa chỉ đỏ cho học sinh. Nổi bật là Trường THCS Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến) với nhiều hình thức giáo dục lịch sử sinh động, trực quan, không bó gọn ở những tiết học trên lớp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường thành lập CLB Em yêu lịch sử, sinh hoạt hằng tháng với các chủ đề về danh nhân, di tích, trận chiến lịch sử bằng hình thức trực quan. Năm học 2023-2024, CLB tổ chức đi tham quan, học tập tại đình làng Cẩm Nê, thu hút gần 100 học sinh tham gia. Nhà trường cũng chủ trương mỗi năm tổ chức 1-2 hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh toàn trường (khoảng 1.600 em) đi đến các di tích trên địa bàn huyện để học lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương.
“Ở các hoạt động, giáo viên vừa kết hợp dạy lịch sử, vừa giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, trân trọng nét đẹp văn hóa nơi các em đang sinh sống”, cô Nga chia sẻ.
Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Phan Hữu Dũng, những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ được các trường học trên địa bàn quan tâm, tổ chức thường xuyên và ngày càng thu hút sự tham gia của học sinh.
Năm học 2022-2023, các hoạt động này thu hút hơn 8.300 trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS tham gia, thì đến năm học 2023-2024, con số này đã tăng lên gần 12.000 lượt học sinh. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục ngoại khóa ở các trường cũng được đổi mới liên tục về cả hình thức tổ chức lẫn nội dung, nhằm tạo sự gần gũi, hứng thú cho học sinh.
Trong các tiết học ngoại khóa, tư liệu lịch sử luôn được các giáo viên lồng ghép bằng nhiều hình thức như: thuyết trình, các trò chơi, đố vui có thưởng để truyền dạy kiến thức một cách sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục đa dạng, phong phú, giúp học sinh có trải nghiệm thực tế, biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
K.NGUYÊN