Làm phim ngắn: Dễ mà khó

.

Đà Nẵng có phong cảnh thiên nhiên đa dạng và phong phú, thuận lợi cho nhiều bạn trẻ làm phim. Tuy nhiên, so với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc sản xuất phim ngắn của các nhà làm phim trẻ vẫn gặp không ít khó khăn.

Đạo diễn trẻ Dương Anh Quốc (bên trái) phối hợp đồng nghiệp thực hiện làm phim ngắn.
Đạo diễn trẻ Dương Anh Quốc (bên trái) phối hợp đồng nghiệp thực hiện làm phim ngắn.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm phim ngắn trong 12 năm qua, đạo diễn trẻ Dương Anh Quốc (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho biết, anh đến với phim ngắn bằng niềm đam mê mặc dù trước đây anh học Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Trong thời gian đó, anh có cơ hội tham gia làm phim 4 năm ở xưởng phim Én Bạc của Đại học Duy Tân, giúp anh trau dồi thêm kiến thức chuyên môn khi được tiếp xúc trong môi trường chuyên nghiệp. Sau đó, anh có cơ hội tham gia phim “Mắt biếc” với vai trò trợ lý đạo diễn.

“Hầu hết những bộ phim ngắn, tôi thường làm một mình và thuộc thể loại phim phóng sự hằng ngày. Việc làm phim ngắn một mình cho tôi cảm giác thoải mái khi thể hiện mà không bị tác động bởi cảm xúc, ý kiến của người khác, nhất là việc chọn nội dung câu chuyện, góc máy. Còn làm phim theo nhóm thì sẽ có nhiều góc nhìn và có một số bạn chưa hiểu được ý nhau”, Quốc bộc bạch.

Dương Anh Quốc từng thực hiện bộ phim ngắn có tên “Nhà” vào năm 2022. Nội dung phim tập trung vào chủ đề gia đình và bạn bè độ dài 16 phút và thu hút hơn 23.000 lượt xem sau khi đăng lên YouTube. Để có tiền làm phim, Quốc làm thêm công việc Branding Video cho một số các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đồng thời tham gia giảng dạy môn phim cho ngành Mỹ thuật ứng dụng của khoa Kiến trúc, Đại học Duy Tân. Quốc thích kể lại vẻ đẹp qua góc nhìn của mình, đó là những gì thân thuộc nhất đối với bản thân anh.

“Với tôi, cái đẹp là khi chạm tới cảm xúc riêng của mình, làm cho tôi muốn khóc. Lúc đó, trạng thái cảm xúc tôi thay đổi khiến tôi muốn thể hiện nó qua góc máy”,  Quốc cho biết.

Hiện nay, Đà Nẵng có rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê làm phim nhưng họ vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Thành phố vẫn chưa có nhiều workshop để các bạn trẻ tham gia trao đổi, học hỏi; các cuộc thi phim ngắn dành cho giới trẻ cũng không nhiều.

Trong thời gian diễn ra Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng, mặc dù có một số workshop diễn ra nhưng những người làm phim trẻ vẫn khó tiếp cận vì đối tượng tham gia không rộng rãi. Bên cạnh đó, kinh phí làm phim tiêu tốn khá lớn, trong khi việc tìm kiếm nhà đầu tư không dễ dàng.

Dương Anh Quốc thực hiện những cảnh quay cho bộ phim ngắn của mình.  Ảnh: Đ.H.L
Dương Anh Quốc thực hiện những cảnh quay cho bộ phim ngắn của mình. Ảnh: Đ.H.L

Được đào tạo bài bản từ Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và có nhiều năm trải nghiệm làm phim ngắn ở đây, chị Nguyễn Duy An (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho rằng, ngày nay các bạn trẻ thuận lợi hơn các thế hệ làm phim đi trước trong việc tiếp cận thông tin về các khóa học và tạo sự kết nối thông qua mạng xã hội.

Bên cạnh đó, những người làm phim trẻ còn được tiếp cận thiết bị máy móc hiện đại nên việc sản xuất một bộ phim khá tiện lợi. Tuy nhiên so với Thành phố Hồ Chí Minh, các bạn trẻ ở Đà Nẵng ít có cơ hội tham gia các sự kiện để kết nối nhân sự. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí. Một bộ phim ngắn dưới 30 phút tiêu tốn ít nhất 20 triệu đồng đến 10 tỷ đồng tùy kịch bản, bối cảnh, thiết bị máy móc và độ dài bộ phim.

Để giải quyết kinh phí sản xuất, nhiều bạn trẻ phải làm thêm nhiều công việc khác, đồng thời tham gia một buổi trao đổi, diễn thuyết, trình bày ý tưởng giữa nhiều đối tượng nhằm tìm kiếm cơ hội ở các cuộc thi, các dự án trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng nhấn mạnh: “Có một con đường mà hầu hết các nhà làm phim trên thế giới này đều phải đi qua, đó là phim ngắn. Phim ngắn là điển hình cho sự khác biệt của lĩnh vực điện ảnh, một ngành công nghiệp giải trí gắn chặt với điều kiện về kinh tế và kỹ thuật”.

Có thể thấy, làm phim ngắn là con đường để các nhà làm phim trẻ có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, từ đó có thể đi xa hơn. Do đó, thành phố cần tạo ra một sân chơi cho các bạn trẻ làm phim ngắn với sự dẫn dắt chuyên nghiệp, giúp họ có cơ hội trau dồi kỹ năng làm nghề, tìm kiếm cơ hội nâng cao trình độ, hợp tác quốc tế, từ đó sáng tác nhiều tác phẩm hay, thể hiện nhiều vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống đang diễn ra trên địa bàn thành phố.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.