Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, chiều 23-11, tại thành phố Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đối với “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker trao Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đối với “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” cho phía Việt Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN |
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tại buổi lễ, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker đã trao Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đối với “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trước đó, ngày 8-5-2024 tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Mông Cổ, “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên - Huế vị thế là địa phương duy nhất mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tiến hành thực hiện nghi thức khai trương, mở cửa Điện Thái Hòa và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN |
Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được khởi công vào tháng 11-2021 với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng. Sau 3 năm thi công, dự án đã về đích trước thời hạn 9 tháng. Quá trình triển khai dự án, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tuân thủ đầy đủ các quy trình khoa học, từ khảo sát, nghiên cứu đến thực hiện các biện pháp nhằm bảo quản tối đa yếu tố gốc của di tích, quyết tâm gìn giữ cho được hồn cốt của công trình sau khi tu bổ và phải đảm bảo sự bền vững trong kỹ thuật và tôn vinh giá trị mỹ thuật truyền thống.
Dự án Tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Điện Cần Chánh có tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong 4 năm. Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm 1804, là nơi vua làm việc hàng ngày và là nơi tổ chức Lễ Thiết Thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng; nơi tổ chức các lễ Nguyên Đán, Vạn Thọ Đại khánh cũng như yến tiệc vào các dịp khánh hỷ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, để tiến hành các thủ tục triển khai Dự án tu bổ, phục hồi điện Thái Hòa và tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quá trình nghiên cứu chuẩn bị công phu, bài bản và nhận được sự giúp đỡ hết sức to lớn của các tổ chức quốc tế, của các ban, bộ, ngành Trung ương và các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong quá trình thu thập tư liệu, hình ảnh, căn cứ pháp lý để triển khai. Điều đó đã chứng minh, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế đã chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Địa phương hiện được UNESCO đánh giá đi đầu về bảo tồn, phát huy giá trị di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo baotintuc.vn