Đình Vân Dương - chứng tích ghi dấu lịch sử mảnh đất phía bắc Hòa Vang

.

Cùng với bước đường nam tiến của cha ông ta, các lớp cư dân di cư từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An đã lần lượt đặt chân khai phá lập nên các làng, xã khu vực tây bắc của huyện Hòa Vang, trong đó có làng Vân Dương. Sự hình thành của đình Vân Dương cũng gắn liền với lịch sử phát triển của làng khi nơi đây còn lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh truyền thống và trở thành trung tâm tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng dân làng.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đình làng Vân Dương vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Ảnh: ĐOÀN GIA HUY
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đình làng Vân Dương vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Ảnh: ĐOÀN GIA HUY

Theo lịch sử địa phương, cũng như nhiều vùng đất khác, làng Vân Dương ban đầu chỉ là nơi hoang sơ, đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt, lại là miền biên ải mới được khai phá bước đầu nên số cư dân đến đây rất ít. Điều kiện tự nhiên và xã hội khác xa với vùng đất gốc khiến con người “mới” luôn mang tâm lý kiêng dè. Chính mảnh đất “tinh thần” ấy đã nuôi dưỡng đời sống tâm linh tín ngưỡng của những cư dân mới “chân ướt chân ráo” vào lập nghiệp. Với mong muốn xây dựng một ngôi đình làng để thờ cúng, người dân Vân Dương đã cùng nhau xây dựng nên đình làng và các thiết chế văn hóa tâm linh truyền thống khác.

Đình làng Vân Dương được khởi dựng lần đầu khoảng thời gian dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738) tại vị trí “vườn đình” thuộc xóm Làng. Lúc này, đình được xây dựng bằng các vật liệu giản đơn như vôi, đá cục, mái lợp ngói âm dương, trước mặt đình có bình phong đắp hình hổ. Sau vài lần di chuyển, cuối cùng đình được di dời đến vị trí hiện tại theo lời kể của các cụ là những năm đầu thời vua Khải Định, khoảng từ năm 1916 đến 1919. Lúc bấy giờ để chọn một vị trí yên ổn lâu dài, người dân trong làng đã mời ông thầy địa lý người Hoa trú ở Hội An đến chọn vị trí. Chẳng bao lâu đình được khánh thành trong trong sự phấn khởi của dân làng.

Ngôi đình này được đặt tên là đình Thượng, chỉ dùng để thờ cúng và tế lễ. Đình Hạ nằm về phía bên hữu của đình Thượng. Ngôi đình Hạ không xây tường bao, là nơi để hội họp, xử lý việc làng. Do ảnh hưởng của chiến tranh, ngôi đình làng đã bị bắn phá rồi bị đốt cháy, nhân dân Vân Dương chung sức để xây dựng đình mới trên nền cũ. Đình mới được khánh thành vào cuối hè năm 1958 nhưng với quy mô nhỏ hơn và không có Đình Hạ và nhà trù.

Theo lời kể của các cụ Phan Văn Kế, Lê Văn Tất, ngôi đình xây dựng năm 1958 ở giữa thờ 4 chữ “Thiên Thu Sùng Bái”. Trước cửa đề “Vân Dương Hội Tự Sở” (có nghĩa là Sở hội tự Vân Dương). Gian giữa trong đình đặt tượng Phật A Di Đà và ảnh Đức Khổng Tử. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình làng bị tàn phá nghiêm trọng. Sau 1975, đình làng Vân Dương trở thành lớp học tiểu học, sau đó là kho chứa lúa của hợp tác xã. Đến năm 1999, đình được trùng tu, sửa chữa lại. Năm 2006, trận bão số 6 (bão Xangsane) đã phá hoại hết phần mái đình. Đến năm 2009, đình được trùng tu sửa chữa mái.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đình Vân Dương là chứng tích ghi dấu bao sự kiện lịch sử xảy ra trên mảnh đất phía bắc Hòa Vang. Đến nay, tuy kiến trúc đình không còn giữ được nét nguyên bản so với thời kỳ đầu và đã ít nhiều tiếp biến, giao thoa với kiến trúc hiện đại nhưng tổng thể ngôi đình vẫn thể hiện được nét truyền thống. Đình làng Vân Dương mang trong mình những giá trị nổi bật về văn hóa lịch sử và nghệ thuật tạo hình. Ngôi đình đã đi vào ký ức của người dân Vân Dương như một biểu tượng tâm linh mạnh mẽ để gửi gắm niềm tin và ước vọng. Đó là biểu tượng văn hóa của làng, là nơi hội tụ và phản chiếu những sắc thái, những giá trị văn hóa cổ truyền của nhân dân Vân Dương. Với ý nghĩa lịch sử to lớn này, vào năm 2021, đình làng Vân Dương được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.