Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp học sinh, sinh viên tích lũy tri thức từ cơ bản đến chuyên sâu ở mọi lĩnh vực. Phát triển văn hóa đọc, nhằm duy trì thói quen đọc sách và góp phần thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong nhà trường và cộng đồng xã hội.
Chương trình “Ngày sách Việt Nam” với chủ đề “Văn hóa đọc học đường” tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thu hút nhiều sinh viên tham gia. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Xây dựng không gian văn hóa đọc rộng khắp
Hầu hết các trường đại học đều đầu tư hệ thống phòng đọc, thư viện tương đối đồng bộ và hiện đại. Để tạo cho sinh viên có thói quen tiếp xúc hằng ngày với tri thức mới qua những trang sách báo, việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong nhà trường rất quan trọng. Bà Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho biết, nhiều trường học có những giải pháp thiết thực để khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên, đặc biệt là chú trọng phát triển và đổi mới hệ thống thư viện học đường, đồng thời tổ chức các sự kiện liên quan đến sách nhằm tôn vinh giá trị của sách và lan tỏa văn hóa đọc trong học đường.
Điển hình là sự kiện “Ngày Sách Việt Nam” với chủ đề “Văn hóa đọc học đường” do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) phối hợp Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) tại trường. Sự kiện thu hút nhiều sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố tham gia với nhiều hoạt động bổ ích như: giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà văn và các chuyên gia đầu ngành với độc giả; thi hùng biện “Cuốn sách tôi yêu”; tọa đàm “Sinh viên với văn hóa đọc trong thời đại 4.0”; phát động phong trào ủng hộ sách và tặng sách, cấp thẻ thư viện miễn phí, xếp sách nghệ thuật, đồng thời giới thiệu tác giả - tác phẩm Bùi Giáng và nói chuyện về “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lấy sách làm ngọn đuốc đi vào thế giới mịt mùng âm nhạc”. Qua đó, giúp sinh viên khám phá những cuốn sách mới, sách hay và giao lưu cùng các tác giả, những người yêu sách.
“Văn hóa đọc sẽ giúp sinh viên, giảng viên có năng lực định hướng thông tin; có kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn, khai thác và sử dụng thông tin một cách khoa học; có phương pháp đọc hiệu quả; có kỹ năng tiếp nhận, vận dụng tri thức đã đọc vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tự học, tự nghiên cứu. Văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt với thế hệ trẻ về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội và ý thức chấp hành pháp luật”, bà Ân nhấn mạnh.
Phát triển tư duy và sáng tạo
Là thành viên Ban Chủ nhiệm CLB sách và tuổi trẻ, em Nguyễn Thị Thanh Tiên, sinh viên lớp 23STH5, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm cho biết, thông qua các chương trình, cuộc thi, văn hóa đọc đã được hình thành và dần trở thành một thói quen trong sinh viên của trường. Nhiều sinh viên đã hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách và trở nên ham đọc sách hơn, từ đó lan tỏa niềm yêu thích đọc sách đến những sinh viên khác, tạo nên phong trào đọc sách sôi nổi.
“Đối với sinh viên nói chung và sinh viên Trường Đại học Sư phạm nói riêng, văn hóa đọc có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình nghiên cứu và thu nhận kiến thức cả về thời gian và phương thức. Văn hóa đọc hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, giúp cho sinh viên tự học, phát triển tư duy và sáng tạo, rèn luyện kỹ năng học tập và tính độc lập trong quá trình học. Qua việc đọc sách, sinh viên được trang bị nhiều kiến thức bổ ích, mở rộng tầm nhìn, có sự kiên định, vững vàng trong nhận thức và hành động. Tư tưởng, tình cảm cũng được vun đắp, nhờ đó sống có lý tưởng và mục tiêu hơn”, Thanh Tiên chia sẻ.
Về tầm quan trọng của sách đối với sinh viên sư phạm, PGS.TS. Võ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho biết, văn hóa đọc và sách là yếu tố rất quan trọng đối với xã hội chúng ta, đặc biệt là trong môi trường sư phạm thì việc đọc sách được chú trọng. Trong suốt thời gian qua, nhà trường đã kiên trì mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc, đặc biệt là quan tâm đến sách. Đến nay, bên cạnh thư viện thì trong các phòng nước, các tủ sách đều có sách. Mục tiêu của nhà trường là tiếp tục lan tỏa đến các giảng đường.
“Chúng tôi rất quan tâm đến sách bởi vì trong số các thầy cô, các em sinh viên, học viên đọc sách không chỉ là giáo trình, tài liệu tham khảo mà còn là các tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật và các sách tham khảo khác đã làm giàu tri thức và làm cho tâm hồn đẹp hơn. Trong số đó sẽ lan tỏa tới hàng triệu người bởi phần lớn các sinh viên trong trường sau này trở thành giáo viên và cán bộ quản lý. Sứ mệnh của chúng tôi hiện nay là sáng tạo tri thức và truyền bá tri thức trong ba lĩnh vực gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn và khoa học giáo dục”, PGS.TS. Võ Văn Minh nhấn mạnh.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG