Kính tiễn biệt nhà thơ Cao Phương
Hai giờ mười lăm phút sáng, con thức dậy bước ra sân ngước nhìn lên trời cao hướng về phía Bắc, cúi đầu lặng thầm đưa tiễn chú. Con có thể nào quên lần đầu tiên chú cháu mình gặp nhau lúc con còn rất trẻ, khi con biên tập tập thơ chú. Chú vào Đà Nẵng tìm con, dẫn con ra quán bia bình dân hai chú cháu ngồi nguyên một buổi chiều nói chuyện thơ ca.
Nhà thơ Cao Phương và tập thơ Quán gió lùa. Ảnh: N.K.H |
Con làm sao quên, khi con có tuổi rồi, chú về già rồi, chú vẫn lên facebook khen con viết bài thơ tặng mẹ “Phía nào cũng gió” hay đó con, mặc ai khen chê, con cứ giữ giọng thơ mình viết nữa đi con.
Con nhớ quá khi con về già, chú đã già lắm rồi, mà lần nào về Đà Nẵng, Quảng Nam mình chú cũng gọi ngay con: Con ơi chú về rồi, đến cà phê với chú.
Con biết từ bây giờ con không còn gặp chú nữa. Từ hôm nay con không còn được nghe chú cười rất hiền khuyên con phải làm thơ nữa đi con, hãy viết như những gì con cảm.
Con biết chú sẽ không còn về Đà Nẵng gọi con cà phê nữa, gọi anh em đến hàn huyên tâm sự nữa. Thế mà con không thể nào ra Hà Nội kịp để nhìn chú lần cuối cùng, để kịp tiễn đưa chú đi về nơi yên nghỉ vĩnh hằng.
Trời Hà Nội đêm nay rét đậm. Đà Nẵng mình đêm nay mưa tạnh và hơi se lạnh chú ạ. Con thức dậy ngồi viết bài này thành tâm nhớ thương đau buồn đưa tiễn chú.
Và là thắp nén tâm hương kính cầu mong chú hiểu lòng con...
NGUYỄN KIM HUY
13-12-2024
Nhà thơ Cao Phương tên thật là Lê Cao Phương, sinh năm 1933 tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, tác giả của các tập thơ: Trong chiến hào (1967), Lá reo (1969), Xanh trong vườn Bác (1976), Người thương (1997), Nhớ (2010), Trong bước trẻ (2014), Trong gánh đường trường (2010), Quán gió lùa (2017); là tác giả bài thơ “Chợ Đông” nổi tiếng viết về quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng thời chống Mỹ. Ông tạ thế ngày 7-12-2024 tại Hà Nội vì tuổi cao bệnh nặng. Nhà thơ là người rất gắn bó với quê hương, cũng như những anh em làm thơ tại Quảng Nam và Đà Nẵng. |