Tin tức
Trao đổi danh thiếp
Việc trao đổi danh thiếp có thể diễn ra bình thường trong lúc tiếp xúc, gặp gỡ và giới thiệu lúc ban đầu, nhưng đôi khi cũng có những tình huống khiến bạn trở nên lúng túng hoặc gặp rắc rối. Những mẹo vặt dưới đây để bạn luôn sẵn sàng và tự tin khi đưa danh thiếp cho một ai đó:
Luôn có đủ danh thiếp. Hãy chuẩn bị sẵn và luôn mang theo danh thiếp để có thể đưa cho đối tác, khách hàng... vào bất cứ lúc nào, thậm chí là vào dịp cuối tuần hay những ngày nghỉ. Bạn sẽ nhận ra rằng có nhiều dịp tiếp xúc, gặp gỡ quan trọng và trao đổi danh thiếp có thể diễn ra ở những nơi ít ngờ tới nhất. Nếu bạn phải đi công tác nước ngoài hoặc thường xuyên gặp gỡ các đối tác quốc tế, hãy lưu ý in một mặt danh thiếp là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ phù hợp. Thông thường, danh thiếp được trao đổi tại lúc bắt đầu hoặc kết thúc của lần gặp gỡ đầu tiên. Nên lưu ý để mặt in bằng ngôn ngữ của người nhận lên phía trên khi trao danh thiếp.
Đừng trao các danh thiếp đã cũ hoặc sờn rách. Bạn phải bảo đảm các tấm danh thiếp của mình phải sạch sẽ, tươm tất, không quăn góc, sờn rách hay có các dấu mực. Cách tốt nhất để giữ chúng luôn như mới là một chiếc hộp nhỏ hay ví đựng danh thiếp.
Nhận danh thiếp đúng cách. Khi bạn nhận danh thiếp từ người khác, hãy nhìn và đọc lướt qua trong vài giây để thể hiện sự quan tâm và tinh tế của bạn. Nếu cần thiết hoặc tùy vào tình huống cụ thể, nên có đôi lời khen ngợi về cách thiết kế hay logo in trên danh thiếp.
Đừng đưa nhiều danh thiếp cho một người. Bạn chỉ nên đưa một tấm danh thiếp cho người mà bạn mới quen. Việc trao 2 hoặc 3 danh thiếp cùng lúc sẽ khiến người nhận nghĩ rằng bạn muốn nhờ họ "quảng bá" giúp về công ty hay nơi bạn làm việc, và đó là một cử chỉ khá vụng về và thiếu chuyên nghiệp. Trừ khi đã có giao ước từ trước về việc này, bạn chỉ nên tập trung vào việc trao đổi và tiếp xúc trực tiếp.
Trao đổi danh thiếp một cách suôn sẻ. Khi gặp ai đó lần đầu tiên, bạn có thể hỏi về danh thiếp của họ. Tuy nhiên nếu đó là một người ở địa vị cao hơn, thì bạn nên đợi đến lúc họ đưa danh thiếp cho bạn trước. Hãy nhớ rằng nếu họ muốn giới thiệu về mình với bạn, thì chắc chắn họ sẽ đưa danh thiếp cho bạn.
Phép tắc trao đổi danh thiếp ở một số nước:
* Trung Quốc:
Một mặt của danh thiếp nên được dịch sang tiếng Trung Quốc, dùng những ký tự tiếng Hán đã được đơn giản hóa và in bằng mực vàng vì màu vàng là một màu hứa hẹn đem lại nhiều triển vọng và thắng lợi. Bảo đảm phần dịch tiếng Hán phải phù hợp và đúng theo phương ngữ, như tiếng Quảng Đông hoặc tiếng phổ thông. Danh thiếp nên bao gồm chức vụ của bạn. Nếu công ty của bạn có thâm niên lâu đời nhất hoặc lớn nhất trong nước, thì chi tiết đó nên được in đậm trên danh thiếp. Dùng cả 2 tay để trao danh thiếp. Không bao giờ viết lên danh thiếp của người khác trừ khi được yêu cầu.
Ấn Độ
Nếu bạn có bằng đại học hay một tước vị nào đó, hãy đưa nó vào danh thiếp của bạn. Luôn luôn dùng tay phải để trao và nhận danh thiếp. Danh thiếp không nhất thiết phải được dịch sang tiếng Hindi vì tiếng Anh vốn được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ.
Nhật Bản
Danh thiếp được trao đổi một cách trang trọng và khách sáo. Hãy đầu tư vào các danh thiếp có chất lượng. Luôn luôn giữ danh thiếp thật mới. Trân trọng tấm danh thiếp mà bạn nhận được như cách mà bạn sẽ đối xử với người đó. Danh thiếp phải bao gồm chức vụ của bạn vì người Nhật rất chú trọng đến vị thế và cấp bậc. Danh thiếp phải luôn được nhận bằng 2 tay nhưng có thể chỉ được trao bằng 1 tay.
Linh Dung (Theo greatfx)