.
"Khai hỏa" Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFC 2013:

Đêm của tình ca sông Hàn

.

(ĐNĐT) - "Tình yêu sông Hàn" với những cảm xúc tuyệt vời đã làm bùng nổ đêm Đà Nẵng ngay từ những phút đầu tiên. Cuộc hội ngộ của thanh âm tươi trong và sắc màu huyền ảo giúp thăng hoa những bản tình ca trên long lanh sóng nước sông Hàn trong đêm 29-4.

Việt Nam lội ngược dòng

Đêm đầu tiên khai hội pháo hoa, khán giả đã không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cú lội ngược dòng đầy ấn tượng của đội Đà Nẵng - Việt Nam, một trong những đội được xem là non trẻ nhất trong số những anh tài tham gia DIFC lần này.

Đội Đà Nẵng - Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục
Đội Đà Nẵng - Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục. Ảnh: Văn Nở

Với màn trình diễn mang chủ đề "Đà Nẵng-Việt Nam dưới Mặt trời", thay vì dùng các tiết tấu hùng hồn, khơi gợi những đau thương, mất mát trong chiến tranh như các lần thi trước, đội Việt Nam đã tập trung vào những thanh âm nhẹ nhàng, êm đềm để diễn tả một cuộc sống tươi đẹp, đằm thắm trong hòa bình. Màn diễn gồm 4 chương, trong đó, điểm nhấn là chương 2 theo tiết tấu của ca khúc "Vũ điệu trong nắng" của nhạc sĩ Đỗ Bảo, và chương cuối "Đà Nẵng dưới mặt trời" do An Thuyên sáng tác. "Vũ điệu trong nắng" là khúc ca tráng lệ mô tả vẻ đẹp của cái nắng đô thành, cái nắng lung linh trên sông Hàn, trên bờ cát biển xanh, trên những nhịp cầu mới...

Giai điệu của tiếng đàn tranh dìu khán giả tới những cảm xúc nhẹ nhàng, trong trẻo như màu nắng tươi, một ảnh tượng ngày ngày mang lại nguồn sống vui cho hàng vạn con người. Đi qua chương 3 trong tiếng đàn bầu, chương 4 là một bản giao hưởng mô tả sự ban tặng hào phóng của thiên nhiên dành cho đất và người Đà Nẵng. Tên những ngọn núi Ngũ Hành, bán đảo Sơn Trà, bờ biển dài sóng vỗ... như ngân lên du dương, âm vang, mời gọi bạn bè khắp nơi đến với một thành phố thân thiện, hòa bình. Để giúp khán giả có những trải nghiệm mới mẻ và đầy ngạc nhiên, đội Việt Nam đã dùng nhiều góc bắn và vô số hiệu ứng lạ.

Xuyên suốt màn diễn, âm nhạc êm đềm như lời ru của mẹ trong tiếng đàn bầu, đàn tranh đầy cảm xúc. Tuy gặp khó khăn hơn nhiều trong phần kỹ thuật so với các năm, nhưng đội Việt Nam đã khá thành công khi giúp khán giả cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của những nhạc cụ dân tộc mà vẫn không thấy nhàm chán. Sự mới lạ đã được thiết lập, dẫn dắt người xem qua những cung bậc cảm xúc nhẹ nhàng và có tính thẩm mỹ cao hơn hẳn mọi khi.

Khán giả đã không ngừng trầm trồ trước một Việt Nam khác lạ. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, một người dân Đà Nẵng chưa bỏ sót một lễ hội pháo hoa nào nhận xét: "Năm nay, Việt Nam tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật. Âm nhạc rất ổn, ăn khớp nhịp nhàng với pháo hoa; độ phối màu và hiệu ứng rất hài hòa". Có thể nói, sau nhiều năm học hỏi, Việt Nam đã có một sự tinh tế và sắc sảo nhất định, và không hề "lép vế" khi so tài với các đội mạnh.

"Linh hồn Nga" khai hội lung linh, Ý thể hiện đỉnh cao trong đoạn cuối

Là gương mặt mới toanh lần đầu tiên tham gia DIFC 2013, đội Nga, một "ẩn số" khó lường nhất trong 5 đội, đã khai hội bằng màn trình diễn dựa trên những hình tượng độc đáo, thú vị kết hợp với âm nhạc tuyệt vời. Khởi đầu trong tiếng nhạc êm dịu và những màn pháo nước ở tầm thấp, "Linh hồn Nga" cuốn hút khán giả ở nhiều phân đoạn bằng những tác phẩm âm nhạc phổ biến của Nga cùng các ca khúc nổi tiếng của nước ngoài. Sức hấp dẫn của đội Nga không nằm ở phần pháo, bởi suốt màn diễn, hầu như có rất ít hiệu ứng và sự thăng hoa làm nức lòng người xem.

Bù lại, "Linh hồn Nga" lại được thể hiện bay bổng trong âm nhạc dân gian Nga được lồng ghép thông qua những phiên bản hiện đại phổ biến. Khởi đầu êm dịu, âm nhạc dần dần đạt đến sự cao độ và vỡ òa cùng ca khúc Kalinka quen thuộc, với tiết tấu nhanh, dồn dập kết hợp với pháo nhiều màu sắc ở tầm trung đã kéo theo những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt. Đội Nga còn dùng cả những ca khúc quốc tế và Việt Nam để diễn tả tình yêu lãng mạn trên sông Hàn.

Đẳng cấp pháo hoa Ý. Ảnh: Văn Nở
Đẳng cấp pháo hoa Ý. Ảnh: Văn Nở

Cuối cùng, đội Ý với cái tên Parente "vô địch" được chờ đợi nhất đã làm thổn thức trái tim bao người bằng màn diễn “Cảm xúc của dòng sông”. Được thiết kế bởi Antonio Parente, Đội trưởng đội Ý, màn diễn đã đưa khán giả đi vào một cuộc phiêu lưu đầy xúc cảm theo dòng chảy sông Hàn, hòa mình vào tốc độ chảy của dòng sông. Những khoảng lặng trầm tư bất chợt, những thời khắc dữ dội mãnh liệt hay không gian trang nghiêm hòa quyện, xen lẫn vào nhau trong nhiều sắc màu, nhất là các loại pháo sáng và tía.

Từ muôn hồng nghìn tía như đổ xuống bầu trời, đội Ý đã thể hiện những thay đổi nhanh lẹ như đặc điểm của một dòng sông chảy qua đất nước. Để chuyển tải những cảm xúc đó, những con người lãng mạn này chủ yếu dùng các bản nhạc không lời, từ các điệu valse đến nhạc thính phòng, tác động mạnh mẽ tới cảm xúc người xem, tái tạo nên những hình ảnh đôi khi rất xung đột với nhau; một cuộc hành trình từ nơi bắt nguồn tới tận nơi cửa sông, chảy qua những dãy núi, tới các thành thị, từ những khu rừng cho tới các đầm lầy. Đỉnh cao của màn diễn là đoạn cuối với những hiệu ứng lạ, âm nhạc tươi, trong và kết thúc trong sự tiếc nuối của bao người.

Thật tiếc khi khán giả đã không thể thưởng thức trọn vẹn tất cả các màn pháo do đêm qua trời ít gió, một số đoạn diễn bị khói che mờ làm bớt vẻ lung linh và không chuyển tải hết ý tưởng của các đội.

Phát biểu sau đêm diễn, Đại tá Nguyễn Trường Kỳ, Phó Tham mưu trưởng BCH Quân sự TP Đà Nẵng, Đội trưởng đội Đà Nẵng - Việt Nam chia sẻ: "Theo tôi, đội Nga còn nhiều việc phải làm và màn diễn chưa thật ấn tượng như mong đợi. Đội Ý năm nay không sắc sảo bằng các năm trước và trong màn diễn vẫn còn lỗi kỹ thuật. Riêng chúng tôi đã làm hết sức cho một màn diễn khác trước, phần còn lại là của Ban giám khảo".

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.